A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bài toán để bệnh viện công có nguồn tăng lương cho bác sĩ

Lương tăng, người lao động mừng, đời sống sinh hoạt được cải thiện ít nhiều. Đối với ngành y tế, bác sĩ, nhân viên y tế có được mức lương mới dễ thở hơn, rất phấn khởi.

Bạn đọc còn nhớ PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương đã khóc khi đề cập đến lương: “Phải thi điểm rất cao mới đậu vào trường y. Mang tâm huyết ra trường, nhưng lương của bác sĩ trẻ mới ra trường là 7, 8 triệu đồng, mà sống ở TPHCM thì làm sao sống nổi?”.

Từ nay lương của nhân viên y tế có tăng, dù không phải là cao nhưng tạm giữ chân người giỏi, không bỏ bệnh viện công sang khu vực y tế tư nhân. Nhưng một chuyện lớn đặt ra với các bệnh viện công tự chủ, đó là lấy đâu ra tiền để bù vào khoảng chênh lệch tăng theo quy định mới.

Cũng nguồn thu từ khám chữa bệnh, cũng mức thu cũ, nhưng tăng lương cho cán bộ, nhân viên là bài toán đau đầu. Đặc biệt, với bệnh viện có số lượng người lao động lớn, khoản chi tăng rất cao, vậy thì lấy đâu ra. Lãnh đạo các bệnh viện công tự chủ dành câu trả lời cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đó là phải có sự thay đổi về giá dịch vụ y tế phù hợp với thực tế.

Muốn có đủ tiền để tăng lương cho bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện chỉ có cách duy nhất là tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh. Giám đốc các bệnh viện công tự chủ đều mong được tính đúng, tính đủ, nếu không sẽ không cân đối được thu chi. Không có nguồn thu bù được chi, sẽ không có tiền để trả lương cho người lao động. Cuối cùng, chính y bác - sĩ là người chịu thiệt thòi.

Đúng ra, không phải chờ đến cái mốc 1.7 các bệnh viện công tự chủ mới bàn về chuyện tăng lương. Bởi vì, tăng lương không phải bí mật, không phải bất ngờ, mà đã có sự chuẩn bị, thảo luận, dự báo trước. Đúng ra, Bộ Y tế phải có sự chuẩn bị cho đợt tăng lương này, đó là tính toán để đưa ra thay đổi định mức giá khám chữa bệnh phù hợp.

Đến nay, nếu như Bộ Y tế chưa làm thì phải làm gấp, nếu đã có sự chuẩn bị, thì sớm có quyết định để các bệnh viện chủ động, không phải thấp thỏm như hiện nay.

Tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp có nghĩa là tính đúng, tính đủ, để người lao động không bị thiệt thòi và bệnh nhân cũng không phải trả giá cao. Đừng chỉ nghĩ rằng tăng giá dịch vụ y tế thì bệnh nhân sẽ khó khăn, mà còn nghĩ đến người lao động trong bệnh viện cũng là đối tượng đang gặp khó khăn.

Đưa ra giải pháp đảm bảo công bằng cho người lao động ngành y và bệnh nhân là trách nhiệm của Bộ Y tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan