A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học viện Quân Y: Luôn đi đầu trong công tác ghép tạng

Trải qua 30 năm từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, với những đóng góp của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc và lan tỏa tới nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước.

Một ca ghép tạng tại BVQY 103.

Một ca ghép tạng tại BVQY 103.

Năm 2020, tạng cuối cùng được ghép thành công

Bệnh viện Quân y (BVQY) 103, Học viện Quân y (HVQY) vừa tổ chức Hội nghị khoa học kỷ niệm 30 năm ca ghép tạng đầu tiên.

Ước mơ ghép tạng đã được các nhà khoa học Việt Nam “thai nghén” từ những năm tháng còn khói lửa chiến tranh, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước, ước mơ đó chưa thành hiện thực. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, HVQY đã ghép thận thực nghiệm. Sau khi đoàn cán bộ đầu tiên đi học tập về ghép tạng từ Cu Ba về nước, với sự quyết tâm cao của ngành Y tế, sự kết hợp quân dân y và những nỗ lực của các thầy thuốc BVQY 103 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Đài Loan, ngày 4/6/1992, trường hợp ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện thành công. Thành công ấy đã viết lên trang sử mới cho nền y học nước nhà, đánh dấu mốc son trên bản đồ ghép tạng và khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở nước ta - chuyên ngành ghép tạng.

Từ đó đến nay, chuyên ngành ghép tạng Việt Nam, trực tiếp là BVQY 103 đã tiến hành ghép gan (2004), ghép tim (2010), ghép đồng thời đa tạng thận - tụy (2014) và ghép phổi (2017).

Ngày 21/2/2017, các bác sĩ BVQY 103 - HVQY đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi cho cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi, quê ở xã Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ III, có chỉ định ghép phổi. Người cho phổi là bố và bác ruột của cháu Ly Chương Bình. Sau mổ, sức khỏe cả 3 người đều ổn định.

Đến năm 2017, nước ta đã có 18 cơ sở (trong đó có cả bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành) có đủ điều kiện để tiến hành ghép tạng.

Liên tiếp trong 2 ngày 27, 28/10/2020, BVQY 103 đã thực hiện thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống. Thành công này đánh dấu Việt Nam là nước thứ 20 ghép ruột thành công trên thế giới. Ruột là tạng cuối cùng sau các tạng khác được thế giới ghép thành công và tại Việt Nam cũng như vậy. Ghép ruột khác hoàn toàn với nối ruột.

Trong cơ thể con người có 6 tạng (tim, gan, phổi, thận, tuy, ruột) nếu trong trường hợp bị suy tạng, không ghép tạng, người bệnh sẽ tử vong bởi không có bộ phận nào thay thế được chức năng của các tạng này. Về kỹ thuật ghép có 2 khái niệm gồm ghép tạng, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Ghép tạng để cứu sống người bệnh, còn ghép mô và bộ phận cơ thể người (ghép giác mạc, ghép chi, ghép tử cung, ghép buồng trứng...) để nâng cao chất lượng cuộc sống, nếu không ghép, người bệnh vẫn sống nhưng chất lượng cuộc sống không được như mong muốn.

GS. TS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép ruột là kỹ thuật khó. Giải thích lý do tại sao trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ruột là tạng cuối cùng được ghép thành công trong kỹ thuật ghép tạng, GS. TS. Phạm Gia Khánh cho biết: Ruột có nguy cơ nhiễm trùng rất cao sau ghép do đường tiêu hóa là đường mở, tiếp nhận nhiều thức ăn, trong đó có cả vi khuẩn. Mặt khác, khối lượng ruột được ghép rất lớn (hơn 1m) nên sau ghép phải sử dụng một lượng thuốc ức chế miễn dịch lớn.

GS. TS. Phạm Gia Khánh đánh giá, hiện nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã theo kịp được trình độ ghép tạng của thế giới.

Đến nay, BVQY 103 đã hợp tác và phát triển kỹ thuật ghép thận với Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, Việt Đức, BV Trung ương Huế, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi Trung ương, BV Nhân dân 115... chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho BV Đà Nẵng, BV 198 (Bộ Công an), BV Đa khoa Xanh Pôn, BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên...

 

Sau 30 năm triển khai ghép tạng tại Việt Nam, hiện nay, các nhà khoa học của Việt Nam cũng như của HVQY đã làm chủ được kỹ thuật ngoại khoa và kỹ năng điều trị nội khoa để triển khai ghép tạng trên người (đặc biệt có thể triển khai đồng thời nhiều tạng trên 1 bệnh nhân).

Những khó khăn trong ghép tạng

Hiện nay, chuyên ngành ghép tạng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là có nhân lực, kỹ thuật trong tay nhưng nguồn tạng để ghép lại thiếu, chi phí thực hiện ghép tạng cao… Đến nay, cả nước mới chỉ có hơn 1.500 ca ghép tạng được thực hiện. Theo các thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mạn tính cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc…

Theo số liệu điều tra sơ bộ mới thực hiện tại 5 BV lớn ở Hà Nội với 4.143 người bệnh gan thì có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan. Như vậy, nhu cầu được ghép tạng là quá lớn, trong khi số người cho, hiến tạng ở nước ta quá hiếm hoi. Đa phần các tạng được ghép đều là những ca ghép tạng cùng huyết thống, do chính anh, chị, em… trong gia đình người bệnh hiến tặng cho họ.

Ở hai ca ghép ruột, bệnh nhân Lò Văn Tin (26 tuổi, dân tộc Thái) bị hội chứng ruột ngắn tuýp 3 do đã cắt bỏ gần như hoàn toàn phần ruột non trước đó, phần ruột non còn lại chỉ dài gần 20cm. Bệnh nhân được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Nếu không ghép ruột sớm, sẽ suy gan, phải ghép đồng thời cả gan và ruột. Người hiến ruột cho bệnh nhân Tin là mẹ đẻ của bệnh nhân.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Dũng (42 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội, sinh sống tại TP HCM) đã từng phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều BV. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân.

Trường hợp người nhà chấp nhận hiến tạng cứu người rất hy hữu. Tháng 7/2016, HVQY đã thực hiện thành công 4 trường hợp ghép tim, ghép gan, ghép thận từ một người cho chết não. Trước đó, ngày 27/7/2016, BVQY 103 đã tiếp nhận cấp cứu một nam bệnh nhân tên là T.Đ.V (31 tuổi, ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu do chấn thương sọ não nặng, vì ngã từ lan can tầng 2 xuống đất. Gia đình bệnh nhân T.Đ.V dù còn bàng hoàng với nỗi đau mất người thân nhưng bằng tấm lòng nhân ái đã tình nguyện hiến đa tạng (trái tim, lá gan, 2 quả thận, giác mạc) của bệnh nhân để mang lại sự sống cứu 4 người khác đang suy tạng.

3 trong số 4 người được nhận tạng đều là các chiến sĩ làm việc trong quân đội. Người được ghép tim là N.N.T (36 tuổi) bị bệnh cơ tim thể xốp, suy độ IV có chỉ định ghép tim. Hai bệnh nhân nhận thận là V.X.C (49 tuổi) và T.T.H (47 tuổi) đều bị suy thận đã nhiều năm nay có chỉ định ghép thận. Người được nhận gan là một bệnh nhân lớn tuổi bị ung thư gan giai đoạn cuối đang nằm điều trị tại BV Việt Đức.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực BV Việt Đức cho biết, lần đầu tiên, ông tiến hành ghép tim mà quả tim của người cho lại có chút dị tật bẩm sinh. Tim của bệnh nhân cho lại có 2 tĩnh mạch chủ trên (ở người bình thường chỉ có 1 tĩnh mạch chủ trên), vì vậy, các bác sĩ đã phải xử lý khâu này.


Tác giả: Lam Hạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật