Vụ học sinh làm nhầm bài tập bị đánh 20 roi, trẻ em cần cơ hội sửa sai trong bao dung
Cơ quan chức năng đang vào cuộc, làm rõ vụ việc một giáo viên dạy thêm đánh học sinh 20 roi ở mông gây ra nhiều vết bầm tím vì làm nhầm bài tập.
Phụ huynh học sinh trao đổi với giáo viên sau khi phát hiện con bị đánh bầm tím bằng roi ở mông. Ảnh: Bảo Trung
Vụ việc một giáo viên dạy thêm ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thừa nhận đã đánh học sinh lớp 7 đến 20 roi vì làm nhầm bài tập đang khiến dư luận bức xúc.
Lâu nay không ít người lớn, thậm chí là phụ huynh, vẫn ngầm chấp nhận chuyện “thương cho roi cho vọt” hay “đánh vài roi cho nhớ” và coi đó là một hình thức răn đe truyền thống trong dạy dỗ.
Nhưng thực tế cho thấy, giữa răn đe và bạo hành là một ranh giới rất mong manh.
Khi một giáo viên dùng đến 20 roi - như lời chính cô thừa nhận với phụ huynh và để lại dấu vết trên thân thể học sinh, thì hành vi ấy không còn là giáo dục, mà đã vượt ngưỡng của quyền hạn và đạo đức sư phạm.
Giáo dục, về bản chất, là quá trình kiên nhẫn giúp người học thay đổi nhận thức, hành vi và thái độ, không phải thông qua nỗi sợ hãi, mà bằng sự hiểu biết, đồng cảm và định hướng.
Một điểm đáng chú ý là chính phụ huynh trong vụ việc cũng nói: “Nếu cô đánh vài roi để răn đe thì tôi không ý kiến”. Quan điểm này phản ánh tâm lý còn phổ biến trong xã hội: chấp nhận một mức độ bạo lực nhất định như là “bình thường”.
Và đây cũng chính là điều khiến những hành vi nghiêm trọng hơn dễ bị bỏ qua hoặc chỉ xử lý khi “gây hậu quả thấy được”.
Cần khẳng định rõ rằng: mọi hình thức trừng phạt thể xác đều không được phép trong giáo dục học sinh phổ thông, bất kể diễn ra trong lớp chính khóa hay lớp học thêm, bất kể giáo viên có chủ đích dạy dỗ hay “trót quá tay”.
Luật Giáo dục, Luật Trẻ em và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều nghiêm cấm hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm của trẻ.
Sự im lặng hoặc bao biện cho những hành vi này chỉ góp phần duy trì “văn hóa bạo lực” trong giáo dục.
Vụ việc ở Đắk Lắk có thể chỉ là một trường hợp đơn lẻ, nhưng nó đặt ra câu hỏi chung cho cả ngành giáo dục: làm sao để bảo vệ học sinh khỏi những tổn thương không đáng có trong quá trình học tập?
Làm sao để học sinh sai không sợ thầy cô, mà muốn được sửa sai? Và làm sao để trong mỗi lớp học, dù là trong trường hay ngoài trường, giáo viên vẫn là người truyền cảm hứng, không phải là nguồn gây áp lực?
Giải pháp, phần ngọn là cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý thật nghiêm nếu hội đủ yếu tố vi phạm để làm gương - như vụ việc ở Đắk Lắk, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, tăng cường giám sát đạo đức nghề nghiệp…
Phần gốc - quan trọng nhất là làm sao thay đổi quan điểm xã hội về việc “thương cho roi cho vọt”.
Trẻ em không nhất thiết phải có đòn roi mới trưởng thành. Chúng cần được tôn trọng, hướng dẫn, và có cơ hội sửa sai trong sự bao dung - điều mà giáo dục thực sự luôn hướng tới.