Khi lãnh đạo bệnh viện không thể biết được giá thật của thuốc
“Việc đấu thầu, mua sắm hiện nay có nguy cơ mua phải giá đắt. Lãnh đạo bệnh viện không thể biết giá thật của một thiết bị, của thuốc” - PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai - nói tại Hội nghị “Trao đổi quản lý bệnh viện trong thời kỳ mới” do Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc tổ chức hồi cuối tháng 9, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Khi lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở y tế không biết được giá thật của thuốc và thiết bị y tế mà mình mua về trong quá trình đấu thầu thì sẽ dẫn đến 2 rủi ro và hệ lụy.
Đầu tiên, người bệnh sẽ phải oằn lưng gánh thêm chi phí không đáng có. Và tiếp đến, những người có trách nhiệm ở các bệnh viện, cơ sở y tế có nguy cơ đối mặt với các tình huống pháp lý như đã từng thấy trong thời gian qua.
Thực tế, Luật Đấu thầu mới có hiệu lực đã phần nào giải quyết được một số khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư thiết bị y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước, góp phần cải thiện chất lượng khám, điều trị bệnh cho người dân.
Tuy vậy, việc đấu thầu thuốc và thiết bị y tế vẫn còn “điểm nghẽn”, dẫn đến “có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện” như thừa nhận của ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế).
Một trong những nguyên nhân là do Việt Nam, đến thời điểm này vẫn chưa có cơ sở dữ liệu về giá của các mặt hàng vào Việt Nam khiến công tác dự toán dễ bị “trượt giá gốc”, dẫn đến nghịch lý lãnh đạo bệnh viện không thể biết được giá thật của thuốc như đã nói.
“Điểm nghẽn” này, tới đây nhiều khả năng sẽ sớm được tháo gỡ. Bởi mới đây, Chính phủ cũng giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, hoặc chưa phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho bộ chủ trì xây dựng sổ tay về quy trình mua thuốc, thiết bị y tế theo tinh thần cầm tay chỉ việc để các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm.
Tuy vậy, có một “điểm nghẽn” mà Chính phủ và Bộ Y tế rất khó để tháo gỡ, đó là sự thiếu chủ động, linh hoạt của các địa phương và bệnh viện, cơ sở y tế trong việc đấu thầu dẫn đến vướng mắc cục bộ. Trên cùng một cơ chế, nhưng có nơi làm tốt, có nơi kêu khó.
Nên trong khi chờ Bộ Y tế tiếp tục tháo gỡ khó khăn cũng như ban hành hướng dẫn, các địa phương, bệnh viện và cơ sở y tế cần thể hiện sự chủ động, linh hoạt để thực hiện.