A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mức sinh thấp - nguy cơ giảm sút nguồn lao động trong tương lai

Tôi gặp nhiều bạn trẻ kết hôn đã lâu nhưng kiên quyết không sinh con hoặc đã có một con rồi không sinh thêm. Khi được hỏi, họ rất thành thật nói rằng: “Anh thử nghĩ xem, sống ở Hà Nội, hai vợ chồng tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng, riêng tiền trọ, tiền điện nước và nuôi một em bé đã mất gần 2/3 thu nhập. Thế thì làm sao dám đẻ nữa đây”.

Mức sinh thấp - nguy cơ giảm sút nguồn lao động trong tương lai

Bộ Y tế từng đề xuất hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh con thứ 2, nhằm tăng mức sinh. Ảnh: Thùy Linh

Có một xu thế ở Việt Nam hiện nay đối với các nam, nữ thanh niên là kết hôn muộn. Thậm chí chấp nhận sống độc thân. Chưa có thống kê chính thức nhưng xu hướng này lại tập trung ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Công cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch có từ gần nửa thế kỷ trước đã phát huy tác dụng. Nhưng cho đến nay, các con số từ Bộ Y tế lại cho thấy: “Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, thậm chí mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo”.

Tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức ngày 28.8, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) - cho biết, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới. Đó là việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.

Theo Bộ Y tế, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Nếu theo vùng kinh tế - xã hội, nước ta hiện có 2/6 vùng là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, trong đó Đông Nam Bộ số con trung bình là 1,47 con.

Theo các tỉnh, thành phố, có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước. Đa số là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

“Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước” - đại diện Bộ Y tế cho hay.

Một con số khác đáng suy nghĩ: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Năm 1999, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là từ 24,1 tuổi; đến năm 2019, tăng lên 25,2 tuổi. Sau 4 năm, đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1.

Việt Nam chưa đến mức khuyến sinh mà mới chỉ đặt ra nhiệm vụ cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.

Kết hôn, sinh con không chỉ còn là câu chuyện gia đình mà đã trở thành vấn đề quốc gia với nguy cơ già hóa dân số, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động giảm trong tương lai. Đây là vấn đề sẽ có tác động sâu sắc và lâu dài tới phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Y tế từng đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2, cùng với đó là đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi Mầm non, Tiểu học... tại các khu vực có mức sinh thấp. Tuy vậy, cần có những chính sách cụ thể hơn để đảm bảo nguồn lao động phục vụ đất nước trong tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan