Những cán bộ y tế quân hàm xanh nơi biên giới biển
Sóc Trăng - Những cán bộ y tế quân hàm xanh đã mang đến hy vọng, niềm vui cho bệnh nhân nghèo nơi biên giới biển.
Trạm quân dân y nơi biên giới biển
Đều đặn mỗi ngày, ông Trần Minh Đạt ở xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đến Trạm Quân dân y kết hợp - Ðồn Biên phòng Lai Hòa (Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng) để châm cứu điều trị bệnh. Sau 1 năm kiên trì đến nay cánh tay của ông đã có thể cử động lên xuống được.
"Cách đây 1 năm tôi bị tai biến, 1 tay không thể giơ lên được. Gia đình không có điều kiện đi khám ở bệnh viện lớn. Rất may có cán bộ y tế Trạm Quân dân y gần nhà nhiệt tình giúp đỡ, giờ bệnh tôi cũng giảm nhiều rồi, tôi mừng lắm", ông Đạt nói.
Hay trường hợp của anh Lý Huỳnh Sang ở xã Lai Hòa bị tai nạn lao động, phải cắt bỏ một bàn chân cũng đã được Trạm trưởng Trạm Quân dân y kết hợp đến tận nhà thăm khám, giúp anh có điều kiện hồi phục bệnh nhanh hơn. "Nhà tôi nghèo, được cán bộ y tế của Trạm quan tâm, tôi mừng lắm", anh Sang xúc động nói.
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Thái Minh Phong - Trạm trưởng Trạm Quân dân y kết hợp xã Lai Hoà - cho biết: Trạm đi vào hoạt động năm 2001, có 5 y sĩ. Ngoài khám chữa bệnh cho người dân địa phương Trạm còn tiếp nhận bệnh từ các xã giáp ranh thuộc tỉnh Bạc Liêu. Những ca bệnh nặng, nguy hiểm, phức tạp được cấp cứu ban đầu rồi chuyển lên tuyến trên điều trị. Trung bình mỗi tháng, đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho hơn 1.000 lượt, cao điểm lên đến hơn 2.000 lượt bệnh.
"5 y sĩ mỗi người một chuyên môn về sản, nhi, đa khoa, đông y. Trạm có 2 y sĩ và 1 nữ hộ lý dân tộc Khmer nên rất thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh cho người dân", Trung tá Phong nói.
Khi cần là có mặt
Theo Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Thái Minh Phong, Lai Hòa là xã còn khó khăn của thị xã Vĩnh Châu. Nơi đây có đông đồng bào Khmer, bà con sống chủ yếu bằng nghề nông và đi biển nên khi có bệnh thường khám ngoài giờ. Do đó, đơn vị phân công cán bộ y tế trực 24/24 để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe và làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc với bệnh nhân.
Trung tá Phong cho biết, cán bộ y tế của Trạm còn đến thăm khám và cấp thuốc tận nhà cho các bệnh nhân là người già có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng không thể đến trạm để thăm khám.
Nữ hộ sinh Hứa Mỹ Huỳnh chia sẻ: Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều trường hợp chị em phụ nữ dân tộc Khmer mang thai quên ngày sinh hoặc không kịp đến các trung tâm y tế mà sinh tại nhà. Nhận được tin, cán bộ của trạm xuống tận nơi hỗ trợ cắt dây rốn cho em bé, hướng dẫn người mẹ chăm sóc sức khỏe sau sinh... "Không có nữ hộ sinh trực thì y sĩ nam cũng xuống để hỗ trợ sản phụ sinh nở”, nữ hộ sinh Mỹ Huỳnh cho biết.