A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi gần như không có người tử vong vì Covid-19

Trái ngược suy nghĩ dễ bị tổn thương khi Covid-19 ập đến, các quốc gia ở châu Phi báo cáo số ca tử vong rất thấp. Thậm chí nhiều nơi không có bệnh nhân qua đời.

Tại Sierra Leone, nỗi sợ hãi Covid-19 đã biến mất.

Theo Trung tâm ứng phó Covid-19 của quốc gia Tây Phi này, nhiều huyện tại đây chỉ ghi nhận 11 ca mắc kể từ đại dịch nổ ra. Đặc biệt, không có ca nào tử vong.

Tại bệnh viện khu vực, các khoa đều chật cứng bệnh nhân sốt rét. Trái ngược với nó, cánh cửa vào khu cách ly Covid-19 bị đóng chặt, cỏ dại mọc um tùm. Mọi người chen chúc nhau để tổ chức đám cưới, đá bóng, buổi hòa nhạc mà không cần đeo khẩu trang.

Nơi hiếm hoi trên thế giới

Sierra Leone là quốc gia có 8 triệu người trên bờ biển Tây Phi. Nơi này khiến các nhà khoa học gọi là "vùng đất không thể lý giải", vẫn yên bình bất chấp đại dịch hoành hành ở hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều gì đã xảy ra - hoặc chưa xảy ra - ở đây và phần lớn châu Phi cận Sahara là bí ẩn lớn của đại dịch.

Tỷ lệ lây nhiễm nCoV rất thấp, nhập viện, tử vong gần như không có tại Tây và Trung Phi và tâm điểm khiến giới chuyên gia tranh luận. Họ nghi ngờ người bị bệnh hoặc tử vong không được tính. Nếu như vậy, Covid-19 có vẻ như gây rất ít thiệt hại tại đây, nhưng vì sao? Liệu rằng họ có bỏ lỡ điều gì?

Bộ trưởng Y tế của Sierra Leone, Austin Demby, khẳng định: "Kết quả này không chỉ liên quan chúng tôi, nó có ý nghĩa rất lớn với lợi ích động đồng".

Một buổi sáng nhộn nhịp tại chợ cá ở Vịnh Man of War, Freetown, thủ đô Sierra Leone. Ảnh: Finbarr O'Reilly/The New York Times.

Một buổi sáng nhộn nhịp tại chợ cá ở Vịnh Man of War, Freetown, thủ đô Sierra Leone. Ảnh: Finbarr O'Reilly/The New York Times.

Lời khẳng định Covid-19 không phải mối đe dọa lớn ở châu Phi đã dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu thúc đẩy tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 70% dân số có phải là cách tốt nhất cho khu vực này hay không. Bởi tại đây, sự tàn phá của các mầm bệnh khác như sốt rét, còn cao hơn rất nhiều.

Trong những tháng đầu tiên của đại dịch, người ta lo sợ Covid-19 có thể ập đến châu Phi, xé toạc các quốc gia có hệ thống y tế lạc hậu như Sierra Leone. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nơi này chỉ có 3 bác sĩ cho mỗi 100.000 dân. Tỷ lệ mắc sốt rét, lao, HIV, suy dinh dưỡng cao được xem là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Làn sóng Covid-19 thứ hai làn truyền mạnh mẽ khắp thế giới nhưng tác động rất nhỏ tới nơi này. Biến chủng Beta tàn phá Nam Phi, Delta, Omicron gây ra hàng triệu ca tử vong, nhưng đa số phần còn lại của lục địa này không ghi nhận người chết.

Bước vào năm thứ 3 của đại dịch, nghiên cứu cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa, Covid-19 thực sự đã lây lan rộng ở châu Phi. Khi kiểm tra mẫu máu, khoảng 2/3 dân số ở hầu hết quốc gia cận Sahara đều có kháng thể chống lại nCoV. Chỉ 14% dân số đã được tiêm vaccine Covid-19, nên các kháng thể này được do là từ miễn dịch tự nhiên.

Một phân tích do WHO đứng đầu, tổng hợp các phát hiện từ khắp thế giới, phát hiện 65% người châu Phi đã bị nhiễm virus vào quý 3 năm 2021, cao hơn tỷ lệ ở nhiều nơi trên thế giới. Khi dữ liệu được thu thập, chỉ 4% người dân tại đây được tiêm chủng.

nCoV ở châu Phi vô hại?

Với các kết quả trên, giới chuyên gia kết luận Covid-19 đã càn quét qua châu Phi. Nhưng điều gì khiến tỷ lệ tử vong thấp đến mức gần như bằng 0. Phải chăng nCoV ở đây vô hại?

Một số suy đoán cho rằng dân số châu Phi tương đối trẻ. Tuổi trung bình của họ là 19, trong khi ở châu Âu là 43 và Mỹ là 38. Gần 2/3 dân số ở vùng cận Sahara có độ tuổi trung bình dưới 25, chỉ 3% là từ 65 tuổi trở lên.

Điều đó có nghĩa có rất ít người nằm trong nhóm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe như tim mạch, tiểu đường, hô hấp mạn tính, ung thư - yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh nặng và tử vong vì Covid-19. Những người trẻ nhiễm virus thường không có triệu chứng, do đó, nó có thể giải thích số ca mắc thấp trong các báo cáo.

Rất nhiều giả thuyết khác được đưa ra. Nhiệt độ cao và phần lớn cuộc sống ở ngoài trời có thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Hoặc mật độ dân cư thấp ở nhiều khu vực, hoặc cơ sở hạ tầng giao thông công cộng hạn chế cũng là một quan điểm. Hay việc tiếp xúc các mầm bệnh khác, như virus corona, sốt Lassa, Ebola, phần nào tạo ra hàng rào miễn dịch cho những người này.

Các y tá tại một bệnh viện ở Neave, Nam Phi, di chuyển bệnh nhân qua đời vì Covid-19 đến nhà xác tạm vào tháng 11/2020. Nam Phi là quốc gia duy nhất ở châu Phi cận Sahara ghi nhận tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao. Ảnh: Samantha Reinders/The New York Times.

Các y tá tại một bệnh viện ở Neave, Nam Phi, di chuyển bệnh nhân qua đời vì Covid-19 đến nhà xác tạm vào tháng 11/2020. Nam Phi là quốc gia duy nhất ở châu Phi cận Sahara ghi nhận tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao. Ảnh: Samantha Reinders/The New York Times.

Khi Covid-19 xé nát Nam và Đông Nam Á vào năm 2021, những giả thuyết về dân số trẻ bị lung lay. Dân số của Ấn Độ cũng tương đối trẻ với độ tuổi trung bình là 28, nhiệt độ môi trường khá cao.

Song, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện biến chủng Delta gây ra cái chết cho hàng triệu người tại Ấn Độ, cao hơn nhiều so với con số 400.000 ca được báo cáo chính thức. Và những nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh sốt rét và virus corona khác cao cũng có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao, bao gồm Ấn Độ.

Vậy có phải đơn giản những cái chết vì Covid-19 ở châu Phi đã không được tính toán đầy đủ?

Hầu hết bảng theo dõi Covid-19 toàn cầu không có bất kỳ trường hợp nào từ Sierra Leone. Bởi tại đây, việc xét nghiệm gần như không có. Không có xét nghiệm, không có ca nào để báo cáo.

Một dự án nghiên cứu tại Đại học Njala ở Sierra Leone phát hiện 78% dân số nước này có kháng thể với nCoV. Tuy nhiên, sau gần 3 năm của đại dịch, Sierra Leone chỉ báo cáo 125 ca tử vong vì Covid-19.

Hầu hết bệnh nhân qua đời tại nhà, không phải ở viện, hoặc họ không thể đến cơ sở y tế, hoặc gia đình đưa họ về nhà trước khi tử vong. Nhiều ca tử vong không được báo cáo với chính quyền.

Mô hình này phổ biến ở châu Phi cận Sahara. Một cuộc khảo sát gần đây của Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về châu Phi cho thấy rằng hệ thống đăng ký dịch tễ ở đây chỉ ghi nhận được 1/3 số ca tử vong.

Ngược lại, Nam Phi có số ca tử vong rất lớn. Các số liệu cho thấy Covid-19 đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người tại quốc gia này, lớn hơn rất nhiều con số báo cáo chính thức. Dữ liệu về tỷ lệ tử vong chưa được công bố từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2021 là thêm khoảng 250.000 người. Và nCoV là thủ phạm.

Một đám cưới ở làng Kamakuyor, phía bắc Sierra Leone vào tháng 2. Trong đại dịch, nhiều huyện chỉ ghi nhận 11 trường hợp mắc Covid-19 và không có trường hợp tử vong nào. Ảnh: Finbarr O'Reilly/The New York Times.

Một đám cưới ở làng Kamakuyor, phía bắc Sierra Leone vào tháng 2. Trong đại dịch, nhiều huyện chỉ ghi nhận 11 trường hợp mắc Covid-19 và không có trường hợp tử vong nào. Ảnh: Finbarr O'Reilly/The New York Times.

Tiến sĩ Lawrence Mwananyanda, nhà dịch tễ học tại Đại học Boston, Mỹ, cố vấn đặc biệt cho tổng thống Zambia, cho biết ông không nghi ngờ về tác động của Covid-19 tới quốc gia này, nghiêm trọng tương tự ở Nam Phi. Nhưng về cơ bản, số ca tử vong ở Zambia không nhiều. Quốc gia hơn 18 triệu dân báo cáo khoảng 4.000 F0 qua đời.

"Nếu điều đó đang xảy ra ở Nam Phi, tại sao ở đây khác biệt?", vị chuyên gia đặt câu hỏi. Trên thực tế, Nam Phi có hệ thống y tế mạnh hơn nhiều, điều này có nghĩa đáng lẽ tỷ lệ tử vong thấp hơn, thay vì cao hơn.

Một nhóm nghiên cứu do TS Mwananyanda dẫn đầu phát hiện ở làn sóng Delta tại Zambia, 87% thi thể trong nhà xác bệnh viện nhiễm nCoV.

Theo The Economist, tỷ lệ tử vong tương tự trên khắp châu Phi. Sondre Solstad, chuyên gia nghiên cứu về tình hình Covid-19 tại châu Phi, tiết lộ có thêm 1-2,9 triệu người chết trên lục địa này vì Covid-19 so với số liệu được báo cáo. "Sẽ rất may mắn khi Covid-19 tha cho người châu Phi. Nhưng không phải thế", ông nói.

Nhưng quan điểm này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Các nhà khoa học khẳng định không thể có hàng trăm nghìn người thậm chí hàng triệu người tử vong vì Covid-19 mà không được chú ý.

"Không có những cuộc chôn cất lớn ở châu Phi. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi đáng lẽ phải nhìn thấy", TS Thierno Baldé, người điều hành phản ứng khẩn cấp Covid-19 của WHO ở châu Phi, cho biết.

Bộ trưởng Y tế Sierra Leone cũng đồng ý với TS Thierno. "Các bệnh viện của chúng tôi không quá tải người mắc Covid-19. Không có bằng chứng nào cho thấy hàng triệu người chết vì Covid-19 mà không được báo cáo", vị chuyên gia khẳng định.

Nhân viên y tế ở thị trấn Kathantha Yimbo, Sierra Leone chuẩn bị vaccine Covid-19. Ảnh: Finbarr O'Reilly/The New York Times.

Nhân viên y tế ở thị trấn Kathantha Yimbo, Sierra Leone chuẩn bị vaccine Covid-19. Ảnh: Finbarr O'Reilly/The New York Times.

Người dân châu Phi đã an toàn?

TS Austin Demby thừa nhận việc giám sát y tế của Sierra Leone còn yếu kém. Nhưng người dân nơi đây đã trải qua những kinh nghiệm xương máu khi chiến đấu với Ebola - căn bệnh giết chết 4.000 người trong giai đoạn 2014-2016.

Từ đó, người dân đã cảnh giác về bất kỳ tác nhân lây nhiễm có thể gây chết người trong cộng đồng. Họ sẽ không tham gia các sự kiện đông người nếu tình huống ấy xảy ra lần nữa.

Tiến sĩ Salim Abdool Karim thuộc lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, thành viên nhóm theo dõi số ca tử vong quá mức ở Nam Phi. Ông tin vào giả thuyết con số tử vong tại đây sẽ không khác biệt với xu hướng chung của toàn cầu. "Không có lý do gì mà người Gambia hoặc Ethiopia lại ít bị Covid-19 hơn người Nam Phi", ông nói.

Song, ông Salim cũng cho biết rất nhiều người không đến bệnh viện vì suy hô hấp. Dân số trẻ là yếu tố chính, trong khi một số người lớn tuổi chết vì đột quỵ, các ca bệnh khác tử vong vì Covid-19 hay không rất khó xác định.

Theo TS Prabhat Jha, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Y tế Toàn cầu ở Toronto, Canada, dẫn đầu nghiên cứu phân tích nguyên nhân tử vong ở Sierra Leone: "Tỷ lệ tử vong liên quan đến những thứ rất cơ bản như phát triển và điều trị vaccine".

Nhóm của ông đang sử dụng cách mới để điều tra. Chẳng hạn họ tìm kiếm bất kỳ nơi nào tăng số lượng cáo phó ở đài phát thanh thị trấn trong hai năm qua. Mục đích là xem liệu những cái chết có thể tăng lên mà không được chú ý hay không. Nhưng kết quả là không.

Một số tổ chức về tiêm chủng Covid-19 cho rằng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong thấp tại đây khiến các giới chức y tế cần phải xem xét về chính sách. John Johnson, cố vấn tiêm chủng cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho biết việc tiêm chủng cho 70% người dân châu Phi có ý nghĩa vào thời điểm một năm trước, khi vaccine có thể mang tới miễn dịch lâu dài và chấm dứt sự lây lan của nCoV.

Tuy nhiên, hiện tại, khả năng bảo vệ bị suy yếu và miễn dịch cộng đồng không còn khả thi. Do đó, chiến lược tiêm chủng tập trung vào việc chỉ bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất sẽ là phương án tốt nhất cho quốc gia như Sierra Leone.

"Ở đây có những vấn đề lớn hơn đó là sốt rét, bại liệt, sởi, tả, viêm màng não, suy dinh dưỡng. Những nơi khác của thế giới có vậy không? Nỗ lực ở những quốc gia khác là ngăn chặn các biến chủng mới. Còn tại đây, hàng loạt dịch bệnh khác vẫn đang phải đối mặt", ông John Johnson nói thêm.

Khi còn những tranh luận xoay quanh tỷ lệ tử vong thấp đến mức bí ẩn ở châu Phi, các chuyên gia cảnh báo chúng ta không nên mất cảnh giác. Bởi nCoV là kẻ thù không thể đoán trước. Sự xuất hiện của biến chủng dễ lây như Omicron có thể khiến người dân tại đây dễ bị tổn thương, trừ khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên đáng kể.

"Chúng ta không nên tự tin rằng tất cả châu Phi đều an toàn", TS Jha khẳng định.

 

Tác giả: Thiên Nhan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan