A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thói quen bế rung lắc vô tình khiến não trẻ bị ảnh hưởng

TPHCM - Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, việc bồng bế hoặc rung lắc quá mạnh sẽ vô tình ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Thậm chí, nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Thói quen bế rung lắc vô tình khiến não trẻ bị ảnh hưởng

Rung lắc quá mức sẽ khiến trẻ bị tổn thương não bộ. Ảnh: WHO

Một bệnh nhi 2 tháng tuổi ở TPHCM vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh vì được bác sĩ chẩn đoán xuất huyết não. Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhi, để dễ dàng đưa con vào giấc ngủ, gia đình thường có thói quen bế bé lên và đưa qua lại. Trước khi nhập viện khoảng một ngày, bé có biểu hiện ngủ li bì, bú kém và kèm theo thở nấc. Khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhi trong tình trạng hôn mê, đồng tử hai bên giãn, nhưng vẫn có đáp ứng với ánh sáng, thở nấc, tím môi và nhịp tim rõ đều.

Ngay lập tức, bệnh nhi được thực hiện chụp CT scan sọ não và phát hiện tụ máu dưới màng cứng diện mỏng vùng thái dương - chẩm hai bên, phù não. Bệnh nhi được chẩn đoán xuất huyết não nghi do hội chứng rung lắc.

Th.S.BS Ngô Thị Mai Phương - Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, hội chứng rung lắc ở trẻ là tình trạng tổn thương não gây ra do việc rung lắc trẻ quá mức. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ dưới hai tuổi, đặc biệt là từ sơ sinh đến tám tháng tuổi, khi đầu là bộ phận lớn chiếm ¼ tỉ lệ cơ thể.

Với em bé phát triển vẫn còn yếu ớt, xương sọ mềm, nhu mô não phát triển chưa hoàn thiện, phần màng não chưa chắc chắn, giữa nhu mô não và hộp sọ có những khoảng trống. Do đó, khi thực hiện động tác bế rung lắc hoặc tung hứng em bé, sẽ gây ra tình trạng làm cho nhu mô não va đập vào xương sọ, khiến trẻ bị tổn thương não. Thậm chí, có những trường hợp xương sọ có thể va vào những bề mặt cứng khi em bé bị tung hứng.

Cũng theo bác sĩ Phương, dấu hiệu nhận biết trẻ đang mắc hội chứng rung lắc bao gồm: em bé trước đó được người nhà bế rung lắc đột ngột, hoặc tung hứng, hoặc nằm ngủ nôi võng lắc quá mạnh và sau đó xuất hiện tình trạng như là tri giác không tỉnh táo, lơ mơ, ngủ gà hoặc hôn mê. Một số trường hợp khác, trẻ có biểu hiện co giật toàn thân hoặc một phần nào đó của cơ thể. Một số em bé có tình trạng nôn ói liên tục, cáu gắt, sau này có thể di chứng khi lớn lên như học hành sa sút, rối loạn tăng động giảm chú ý.

Tình trạng xuất huyết não nặng, tổn thương não nặng có thể khiến trẻ bị suy hô hấp tuần hoàn, thậm chí tử vong.

Khi gia đình không may gặp vào hoàn cảnh này, nếu trẻ còn tỉnh táo cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và xác định mức độ tổn thương của trẻ, cũng như xử lý các biện pháp can thiệp cần thiết. Nếu trẻ đã bất tỉnh, thậm chí ngưng tim ngưng thở, cần thực hiện ngay các động tác cấp cứu tuần hoàn, xoa bóp lồng ngực và hô hấp nhân tạo cho trẻ.

Để phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ, điều đầu tiên là phụ huynh phải trang bị kiến thức hiểu biết về căn bệnh này. Căn bệnh này gây ra tình trạng tổn thương não một cách nghiêm trọng, nếu có kiến thức sẽ hạn chế được những rủi ro xảy ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan