A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Uống bia nhiều tưởng "béo bụng" hóa ra có khối u khổng lồ

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông (TP Hà Nội) vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u khổng lồ trong ổ bụng của bệnh nhân N.V.L (72 tuổi, ở Hà Nội).

Bệnh nhân cho biết có thói quen uống bia nhiều, thể trạng béo nhiều năm và mắc tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng điều trị không thường xuyên.

Trước khi vào viện thăm khám, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, ý thức chậm, méo miệng, ăn uống rớt thức ăn. Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu não, tăng huyết áp, có u lớn hạ vị.

Khối u khổng lồ lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Khối u khổng lồ lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Kết quả thăm khám lâm sàng cho thấy trong bụng mang khối u lớn 20 x 25cm. Bệnh nhân cho biết trước đây vẫn chủ quan cho rằng "béo bụng do uống bia" và hiếm khi đi khám bệnh. Sau khi được hội chẩn chuyên khoa và điều trị nội khoa tích cực trong vòng 4 ngày, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Ngoại tiêu hóa để điều trị tiếp loại bỏ khối u.

Theo bác sĩ Bùi Đức Duy, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, đúng như dự đoán, khối u lớn chiếm hết cả tiểu khung, đè đẩy mạnh bàng quang, trực tràng, là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó đại tiện, đi tiểu liên tục, tiểu đêm nhiều.

Khối u lớn nặng 2,7kg nằm ngay sát niệu quản và các mạch máu lớn khiến phẫu thuật rất khó khăn. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đó là một khối u cơ trơn lành tính.

Bác sĩ Duy cho biết đây là ca bệnh phức tạp, bệnh nhân mắc phối hợp nhiều bệnh nền như: Tăng huyết áp, đái tháo đường đã có biến chứng nhồi máu não, kèm theo khối u rất lớn sau phúc mạc.

Khối u gây đè đẩy, chèn ép rất mạnh tới các tạng trong ổ bụng và nguy cơ xâm lấn, liên quan tới niệu quản và các mạch máu lớn sau phúc mạc, tiên lượng cuộc phẫu thuật cũng như quá hình hồi phục sau phẫu thuật sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, may mắn sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân đã có thể ăn uống bình thường, đi lại tốt, vết mổ khô.

Bác sĩ Bùi Đức Duy chia sẻ: “Từ trường hợp bệnh nhân L có thể thấy hiện nay đời sống của mọi người đã được nâng cao, tuy nhiên tỉ lệ đi khám định kỳ còn thấp, kể cả nhiều trường hợp ở ngay sát bênh viện.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh nặng, nhiều bệnh phối hợp khiến quá trình điều trị phức tạp, nhiều nguy cơ rủi ro, tai biến. Chính vì vậy, cho dù là khỏe mạnh, mỗi người đều nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần".


Tác giả: Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan