A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấm áp tình mẹ ở Làng trẻ SOS Hà Nội

Thời gian dần trôi, bằng tình yêu thương, lòng bao dung và yêu quý trẻ nhỏ của mình, những người phụ nữ ở Làng trẻ em SOS Hà Nội trở thành sợi dây gắn kết, sưởi ấm trái tim của những đứa trẻ có số phận bất hạnh, mang đến một mái ấm đầy tình thương, một gia đình ấm cúng cho những đứa trẻ. Chính tình yêu đó đã giúp các con có được cuộc sống đủ đầy tình cảm, có điều kiện phát triển cả về vật chất, tinh thần, đồng thời tiếp thêm nghị lực cho các em trở thành những con người có ích cho xã hội.

Làng trẻ em SOS Hà Nội được xây dựng vào năm 1989, với 16 nhà gia đình. Ban đầu có 53 cháu đầu tiên được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại Làng. Cho đến năm 2019, Làng trẻ em SOS Hà Nội đã và đang chăm sóc, nuôi dưỡng được hơn 500 lượt trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, hơn 300 trẻ đã trưởng thành và có cuộc sống tự lập, hơn 200 em đang được chăm sóc nuôi dưỡng trực tiếp dưới bàn tay của các mẹ, dì, cán bộ, nhân viên và Ban lãnh đạo Làng.

Trao tình yêu cho những đứa trẻ thiệt thòi

Mẹ Loan (nhà Hoa Lay Ơn) đến với Làng trẻ SOS Hà Nội từ năm 2016 và hiện đang chăm sóc và nuôi dạy 6 con. “Đây là gia đình nhỏ ngập tràn yêu thương của tôi. Các con đến đây với nhiều thiệt thòi, không may mắn và thiếu đi tình thương của cha mẹ đẻ. Bản thân tôi luôn coi các con như con ruột của mình, lo lắng cho con từng bữa ăn, từng giấc ngủ và mong các con được khôn lớn thành người. Mỗi đứa trẻ đến đây đều có hoàn cảnh đặc biệt và mang bên mình một câu chuyện buồn. Nên dù có khó khăn đến đâu, điều mà tôi mong mỏi là được ở bên các con, giúp các con phần nào vơi đi nỗi niềm, trao cho con tình thương để con luôn cảm nhận được tình yêu của một người mẹ. Tôi luôn nói với các con rằng, Làng trẻ SOS Hà Nội là nhà, các mẹ, các dì lúc nào cũng dang rộng vòng tay yêu thương các con”, mẹ Loan tâm sự.

Cùng lúc chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều đứa trẻ, nhưng đối với mẹ Loan đó không phải là khó khăn mà là động lực. “Nói không có khó khăn thì không đúng, việc chăm sóc, cơm nước hàng ngày cho các con với tôi là điều quá đỗi bình thường. Nhưng trong số những đứa con, tôi bận lòng hơn cả với những đứa trẻ ở tuổi dậy thì, tính tình thay đổi nên các con cần sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu tâm tư, tình cảm. Không những vậy, đây cũng là thời điểm các con cần định hướng về nghề nghiệp, biết được đâu là sở thích, sở trường, từ đó phát huy được năng lực của bản thân các con, sau này ra đời có một công việc ổn định, nuôi sống bản thân. Những điều này luôn khiến tôi đau đáu trong lòng”, mẹ Loan trải lòng.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hưng - Trợ lý Giám đốc Làng trẻ SOS Hà Nội, Làng trẻ em SOS Hà Nội nói riêng và 16 làng trẻ SOS còn lại trên cả nước hoạt động dựa trên mô hình gia đình thay thế hay còn gọi là mô hình gia đình khuyết thiếu. Trong đó, người phụ nữ độc thân đóng vai trò là một bà mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con. Đó là một điểm khác biệt lớn nhất về ngôi nhà gia đình của Làng trẻ SOS so với các gia đình bình thường có đầy đủ bố mẹ. Người mẹ của Làng trẻ SOS phải đóng hai vai, vừa làm bố, vừa là mẹ.

Để trở thành một bà mẹ của Làng trẻ SOS, mỗi bà mẹ phải có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí ban đầu đó là phụ nữ độc thân hoặc là mẹ đơn thân. Sau khi vào làng, các bà mẹ còn phải trải qua các khóa đào tạo kỹ năng về chuyên môn về chăm sóc trẻ, về dinh dưỡng, kỹ năng nắm bắt được tâm, sinh lý của trẻ… trong khoảng từ 12 - 24 tháng. “Thế nhưng, dù không phải người sinh thành ra những đứa trẻ nhưng thuận theo cách tự nhiên, người phụ nữ sẽ tự xưng “mẹ” với những đứa con của mình. Họ không được đào tạo để nói câu “mẹ”, mà bản thân họ cảm thấy tự hào xưng tiếng “mẹ” với các con. Trong thâm tâm của những bà mẹ SOS, họ chỉ muốn dành tình yêu của mình để bù đắp lại phần nào tình cảm bị khuyết thiếu của những đứa trẻ tội nghiệp. Còn đối với những đứa trẻ được đón về làng, mặc dù mỗi một đứa trẻ đến với làng là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng sau những năm tháng lớn lên cùng các mẹ, chúng luôn tự hào nói rằng, nhà tớ ở Làng trẻ em SOS, tớ mang họ mẹ tớ, quê hương tớ ở Đông Anh, Sóc Sơn… Đến khi lớn, những đứa trẻ vẫn luôn tự hào khi bản thân mình có tới 3 quê: quê gốc, làng trẻ SOS, quê của các bà mẹ. Đó là sợi dây gắn kết tạo nên một gia đình ấm áp và ngập tràn tình yêu”, ông Hưng cho biết.

Là cán bộ có nhiều năm gắn bó tại Làng trẻ SOS Hà Nội, anh Dương Long cho biết, mặc dù có tính chất đặc thù của trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng tên hiệu của làng không phải trại trẻ mồ côi mà lấy cái tên gần gũi là “Làng trẻ SOS” và đặt tên cho các gia đình là nhà Hoa Lay Ơn, nhà Hoa Loa Kèn..., những người phụ nữ chăm sóc được gọi là các mẹ, các dì nhằm tạo sự gần gũi, gắn kết, giúp các bé dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. “Trong nhiều năm công tác tại đây, chính bản thân tôi đã chứng kiến những đứa trẻ khi đến Làng trẻ SOS sinh sống chỉ mất khoảng từ 2 tuần - 2 tháng, thậm chí là ngay từ ngày đầu các cháu đã cất tiếng gọi “mẹ” một cách tự nhiên. Bởi vì, để một đứa trẻ gọi một người phụ nữ xa lạ một tiếng “mẹ”, thì chính tự bản thân các con cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của các mẹ dành cho mình”, anh Long nói.

Trưởng thành từ vòng tay của mẹ, của dì

Mẹ cùng các con gói bánh chưng đón Tết.

Mẹ cùng các con gói bánh chưng đón Tết.

Đáp lại tình yêu thương của các mẹ, các dì, những năm qua, nhiều con của các mẹ, các dì đã trưởng thành, có cuộc sống riêng, nhưng vẫn luôn coi Làng trẻ em SOS là nhà của mình, những bà mẹ, bà dì SOS là những người sinh ra họ lần thứ hai.

Anh Lê Văn Giáp hiện đang là hướng dẫn viên cho một công ty du lịch chia sẻ: “Tôi sinh ra tại một làng quê nghèo và nó càng khó khăn hơn khi năm tôi lên 6 tuổi thì mẹ mất, bố cũng bỏ đi không quan tâm, chăm sóc gì đến anh em chúng tôi. May mắn đã đến và có lẽ nó là một bước ngoặt lớn đối với cuộc đời, năm 1990 tôi đã được đích thân Giám đốc và một người phụ nữ - sau này là người mẹ đã nuôi dạy tôi trưởng thành đón về. Khi về sống cùng mẹ và 9 em khác (tôi lớn nhất nên được bầu là anh cả) mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, với tình yêu thương vô bờ bến và sự tâm huyết của Ban Giám đốc cùng với các mẹ, các dì, anh em chúng tôi cứ thế lớn khôn theo từng năm tháng. Các mẹ, các dì cùng các cô chú trong Làng SOS đã nuôi dưỡng, dạy dỗ, bù đắp những bất hạnh, mất mát, tổn thương cho chúng tôi. Cho đến khi trưởng thành, nếu một số em không có khả năng học lên đại học hay cao đẳng thì làng lại hướng nghiệp cho chúng tôi đi học các ngành nghề khác nhau và hiện giờ Làng cũng đã có rất nhiều các anh chị em đã trưởng thành, có công ăn việc làm, thậm chí có người là chủ doanh nghiệp, có người cũng có vị thế trong xã hội. Người mẹ mà tôi nhắc tới không ai khác đó chính là mẹ Lợi (nhà Hoa Loa Kèn). Giờ tôi đã trưởng thành, tuy không giàu có nhưng cũng có một cuộc sống tạm ổn định, nhưng mẹ Lợi vẫn luôn bên cạnh, động viên và là chỗ dựa tinh thần lớn cho tôi. Tôi luôn thầm cảm ơn bà đã dành cả tuổi thanh xuân để nuôi dưỡng anh em chúng tôi. Tôi vẫn thường nói với bà rằng, nếu không có mẹ sẽ không có tôi của ngày hôm nay”, anh Giáp xúc động nói.

Chị Bạch Ánh Hồng, hiện đang là Trợ lý Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cũng là một trong những trẻ lớn lên từ Làng SOS Hà Nội nhớ lại quãng thời gian sống tại Làng mà với chị là rất quan trọng với cuộc đời. “Tôi đã được nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển hết các năng khiếu của mình. Tôi lớn lên ở Làng trẻ SOS Hà Nội trong tình yêu thương của các bác, các cô, các chú và các mẹ. Họ ban đầu chỉ là những người xa lạ không quen biết, nhưng dần dần trở thành người thân, là “máu mủ ruột rà”, từng ngày từng ngày gom góp tình yêu thương dành cho tôi. Đây chính là chiếc nôi dạy cho tôi bài học làm người, về sự nhân hậu, yêu thương và nhân ái. Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp tôi có niềm tin vào cuộc sống, là bệ đỡ cho tôi những lúc khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng giúp tôi vươn lên để có cuộc sống tươi đẹp”, chị Bạch Ánh Hồng kể.

Chia sẻ về khó khăn, thách thức hiện nay, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết: “Từ trước tới nay, Làng trẻ SOS Việt Nam hoạt động dựa trên một số nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía Chính phủ, SOS quốc tế, nguồn hỗ trợ trong nước. Song hiện nay, do nhiều yếu tố khách quan về vấn đề kinh tế toàn cầu, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các Làng trẻ em SOS từ các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức trong và ngoài nước cũng bị cắt giảm đáng kể. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động và sự duy trì hoạt động của Làng trẻ em SOS. Dù khó khăn là vậy, nhưng bằng tình thương và trách nhiệm những đứa trẻ, tất cả cán bộ, nhân viên, các mẹ, các dì đang không ngừng nỗ lực, vận dụng mọi khả năng để chia sẻ và kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để mang tới cho trẻ em tương lai tươi sáng hơn”.


Tác giả: Thương Mến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật