Điểm tựa cho công nhân vượt qua tai nạn lao động
Sau tai nạn lao động, nhiều công nhân ở Hải Phòng đã vượt qua biến cố, ổn định cuộc sống nhờ sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời từ tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cùng LĐLĐ TP Hải Phòng thăm hỏi, động viên NLĐ bị tai nạn lao động. Ảnh: Mai Dung
Trở lại sau biến cố
Ngôi nhà anh Vũ Khắc Dũng (sinh năm 1985, công nhân Công ty TNHH Lihit Lab) nằm trong ngõ nhỏ ở tổ dân phố Thắng Lợi, phường An Dương, TP Hải Phòng. Hàng xóm ai nấy đều biết đến hoàn cảnh anh Dũng, thương vợ chồng anh hiền lành chịu khó, mà gặp phải tai nạn, khiến cuộc sống đảo lộn.
“Cách đây 2 năm, tôi bị tai nạn lao động mất bàn tay phải, giảm 65% sức lao động. Được sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, ít lâu sau, tôi cũng cố gắng vực dậy, học lại việc viết chữ, cầm đũa, sinh hoạt bằng tay trái và quay trở lại công ty làm việc sau đó” - anh Dũng chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lihit Lab, anh Dũng là trường hợp bị tai nạn lao động nặng nhất từ trước đến nay tại công ty. Nguyên nhân là do 2 công nhân thao tác không đúng quy trình, dẫn đến mất an toàn lao động.
Hơn 25 năm trôi qua, anh Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1979, trú phường An Hải, Hải Phòng, công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco) đã tập quen với việc mất đi cánh tay phải do tai nạn lao động. Sự cố xảy ra trong lúc sửa máy nghiền bột giấy khiến anh mất 71% sức lao động.
Khi ấy, anh Tuấn mới chỉ 20 tuổi, vừa vào nhà máy được 1 tuần. Cả anh và đồng nghiệp cùng ca đều chưa nắm rõ các thiết bị điện, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. “Vết thương cũng là bài học lớn, nhắc nhở tôi mỗi ngày về chấp hành an toàn vệ sinh lao động” - anh Tuấn chia sẻ.
Chăm lo, giúp đỡ NLĐ ổn định cuộc sống
Sau vụ tai nạn lao động, anh Vũ Khắc Dũng trở lại làm việc tại Công ty TNHH Lihit Lab, được công ty bố trí vị trí làm việc phù hợp với điều kiện sức khỏe, thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Huyền xin làm công nhân ở Công ty TNHH Toyoda Gosei cùng KCN Nhật Bản - Hải Phòng để tiện đưa, đón chồng. Anh Phạm Anh Tuấn cũng tiếp tục làm việc tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco với vị trí bảo vệ, thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng.
Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Lihit Lab cho biết, sau vụ việc, ngoài bố trí vị trí làm việc phù hợp, công ty hỗ trợ anh Dũng trong công việc, có chế độ nghỉ đặc biệt, hưởng nguyên lương để anh đi tái khám định kỳ. Cùng với đó, quan tâm, chăm lo anh Dũng và gia đình vào các dịp lễ, Tết, Tháng Công nhân.
Mới đây, nhân Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động, Tổng LĐLĐVN thăm hỏi, động viên, trao suất quà trị giá 5 triệu đồng/suất cùng hiện vật 500.000 đồng; LĐLĐ TP Hải Phòng cũng trao suất quà trị giá 2 triệu đồng động viên đoàn viên, NLĐ bị tai nạn lao động.
Tại gia đình các công nhân từng bị tai nạn lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu thăm hỏi tình hình sức khỏe đoàn viên cũng như khó khăn trong cuộc sống hiện tại; mong muốn đoàn viên vươn lên trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chỉ đạo các cấp công đoàn thành phố quan tâm hơn nữa đến đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động. Công đoàn cơ sở quan tâm, đề xuất doanh nghiệp bố trí việc làm phù hợp đối với công nhân bị tai nạn lao động, có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp để động viên người lao động vượt qua khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp.
Cùng với chăm lo đoàn viên, NLĐ bị tai nạn lao động, các cấp Công đoàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, chính sách về an toàn lao động, nâng cao ý thức chấp hành thực hiện công tác bảo hộ lao động đến từng doanh nghiệp, từng NLĐ; tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở, mạng lưới an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn lao động trong quá trình sản xuất...