A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai linh hoạt các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tạo động lực, điểm tựa để người nghèo vươn lên.

Nghèo vì chưa tạo được việc làm tại chỗ

Theo chuẩn nghèo mới của thành phố Hà Nội, áp dụng từ năm 2022, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có mức thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn và từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị. Như vậy, tiêu chí để xác định chuẩn nghèo mới của Hà Nội cao hơn nhiều so với giai đoạn trước và cao hơn chuẩn chung của cả nước.

Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Các cấp Hội Phụ nữ quận Tây Hồ triển khai hiệu quả công tác chính sách tín dụng, hỗ trợ hội viên nghèo vay vốn

Tính theo chuẩn mới, thời điểm đầu năm 2022, Hà Nội còn 3.612 hộ nghèo, bằng 0,16%; Còn 30.176 hộ cận nghèo, bằng 1,38% tổng số hộ dân. So với chuẩn cũ, Hà Nội tăng hơn 2.700 hộ nghèo. Chuẩn nghèo tăng, số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng, đòi hỏi nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo tăng lên. Đó là bài toán không dễ tìm lời giải cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác giảm nghèo.

Số hộ nghèo, cận nghèo hiện tập trung chủ yếu ở vùng xa trung tâm, vùng khó khăn nên mục tiêu giảm nghèo bền vững càng khó thực hiện. Hiện trên địa bàn thành phố, huyện Ba Vì là địa phương còn nhiều hộ nghèo nhất thành phố với 619 hộ nghèo, gần 3.284 hộ cận nghèo. Cách tốt nhất để giảm nghèo bền vững là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, bảo đảm cho người dân có thu nhập đều đặn. Tuy nhiên, đa số hộ nghèo còn lại trên địa bàn huyện không đủ khả năng tự thoát nghèo; Giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho người dân cũng không dễ thực hiện, vì nhiều nơi thiếu đất canh tác và bản thân các hộ không có sinh kế làm điểm tựa vươn lên.

Tương tự, huyện Phúc Thọ còn hơn 527 hộ nghèo, 2.088 hộ cận nghèo; huyện Mỹ Đức còn 415 hộ nghèo và 1.941 hộ cận nghèo... Do nguồn lực địa phương còn hạn chế nên việc hỗ trợ người nghèo vươn lên cần sự giúp sức của cộng đồng. Song, ở thời điểm này, việc huy động nguồn lực xã hội cũng không dễ thực hiện.

Phấn đấu đến cuối năm 2022 giảm thêm 1.339 hộ nghèo

Hiện, các giải pháp giảm nghèo đang được thành phố Hà Nội triển khai linh hoạt, đa dạng, bao phủ đến nhiều nhóm đối tượng, phù hợp đặc thù của từng khu vực, địa phương.

Cụ thể, tại huyện Gia Lâm, Ủy ban MTTQ cùng Hội LHPN huyện, Hội Nông dân huyện đã triển khai trao phương tiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ gia đình cận nghèo của 4 xã Cụm Nam Đuống. Trong đó, 3 hộ gia đình được hỗ trợ Máy cày Mini trị giá 12 triệu đồng/chiếc; 3 hộ gia đình được hỗ trợ Máy may với tổng trị giá 30 triệu đồng; 1 hộ gia đình được hỗ trợ tủ cấp đông trị giá 8 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ 122 triệu đồng.

Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Trao phương tiện hỗ trợ phát triển sản xuất tới các hộ gia đình cận nghèo 4 xã Cụm Nam Đuống, huyện Gia Lâm

Đối với các hộ thuộc 4 xã, thị trấn Cụm Bắc Đuống có 2 gia đình được nhận hỗ trợ Máy ép nước mía với tổng trị giá 20 triệu; 2 gia đình được hỗ trợ máy May tổng trị giá 24 triệu và 1 gia đình được nhận hỗ trợ Máy cày Mini trị giá 12 triệu. Bên cạnh đó, thông qua Quỹ “Vì người nghèo", Hội LHPN huyện đã trao 30 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình Nguyễn Thị Mích, thôn Cổ Giang, xã Lệ Chi.

Tại quận Tây Hồ, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội quận để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn của Ngân hàng chính sách, hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn, tìm hiểu nguyện vọng của hội viên phụ nữ.

Tính đến 30/6/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ đã nhận ủy thác với Ngân hành chính sách xã hội 8/8 phường, với 86 tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.871 hộ vay với tổng dư nợ là 201.714 triệu đồng, chiếm 74,2% tổng dư nợ toàn quận. Hiện tại, đơn vị có số dư nợ cao nhất là phường Nhật Tân 40,69 tỷ, đơn vị thấp nhất là Quảng An đạt 13,335 tỷ đồng. Việc quản lý dư nợ và thu hồi gốc đến hạn được các cấp Hội quan tâm, chú trọng, trong nhiều năm qua không có nợ quá hạn, nợ xấu trên địa bàn.

Nhờ hoạt động ủy thác vay vốn, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã giúp 40 hộ gia đình hội viên phụ nữ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, thoát cận nghèo, hộ khó khăn phát triển kinh tế bền vững, nâng cao mức sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa quận. Đến nay không có hộ gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, trong tháng 8/2022, công tác giảm nghèo của Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh. Sở đã tăng cường hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố về quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 và triển khai đến các quận, huyện, thị xã.

Kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới cho thấy, hiện Hà Nội có 12 quận, huyện không có hộ nghèo (gồm 9 quận là Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân; 3 huyện là Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức), riêng quận Hai Bà Trưng không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục tập trung tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; đôn đốc các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo năm 2022 là giảm 20% số hộ nghèo so với đầu năm (tương đương giảm 1.339 hộ nghèo).

Theo Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 được ban hành vào tháng 4/2022, thành phố đặt mục tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo; giảm 10% số hộ cận nghèo hàng năm. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 của thành phố Hà Nội được phê duyệt dự kiến là 1.587 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố giao các sở, ngành, địa phương ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, hộ không có khả năng lao động, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao... Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng triển khai linh hoạt giải pháp giảm nghèo.

Ở khu vực xa trung tâm, các địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo gắn liền với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các địa phương cần tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi, tự tạo việc làm...

Tại khu vực đô thị, cận đô thị, ngoài chính sách chung, các quận, huyện, thị xã duy trì, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả như mô hình “Tổ tương trợ” hỗ trợ hộ khó khăn ở quận Tây Hồ; mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo” ở quận Thanh Xuân… Đối với các hộ gặp khó khăn đột xuất, các đơn vị, địa phương chủ động huy động nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ.

 


Tác giả: Diệu Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan