Bỏ trợ cấp thất nghiệp khi chưa hưởng lương hưu?
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã bổ sung trường hợp lao động chưa hưởng lương hưu không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo ghi nhận, phần lớn người lao động đều không đồng tình với đề xuất này.
Bà Hoàng Thị Thanh (49 tuổi, Nam Định) - công nhân cắt vải cho hay, đề xuất như đang tước đi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Thậm chí, bà Thanh cho rằng, đề xuất sẽ ảnh hưởng đến thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
"Đóng đủ 20 năm tôi có thể thực hiện được nhưng đợi đến khi đủ 60 tuổi để nhận lương hưu thì không chắc chắn. Nếu không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc quả là thiệt thòi” - bà Thanh nói.
Nữ công nhân chia sẻ, hiện tại bà đã đóng bảo hiểm xã hội được 17 năm, bà Thanh cho rằng, trong suốt quá trình đóng bảo hiểm xã hội, luôn có một khoản trích riêng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, thiết nghĩ phải được hưởng.
"Thời gian đóng bảo hiểm dài nhưng người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp đã rất thiệt thòi. Không nên cắt đi quyền lợi này trong mọi trường hợp" - bà Thanh kiến nghị.
Theo bà Thanh, đây là suy nghĩ của rất nhiều công nhân chứ không riêng gì bản thân.
Với đề xuất mới này, anh Phạm Thanh Bình (33 tuổi) - công nhân thuộc công ty về linh kiện điện tử ở Hà Nội bày tỏ: “Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn 10 năm, vậy tiền nếu không được hưởng khoản này, tôi lấy tiền ở đâu để đảm bảo cuộc sống khi không có việc làm?”.
Anh Bình kiến nghị, nên để người lao động hưởng đủ 12 tháng trợ cấp thất nghiệp kể cả khi đủ điều kiện hưu trí mà chưa hưởng lương hưu. Trường hợp thời gian nghỉ việc là lúc bắt đầu nhận lương hưu thì vẫn được hưởng.
Luật Việc làm hiện hành quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bổ sung một số trường hợp không được nhận trợ cấp, gồm: Người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật; người bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc; người hưởng lương hưu; lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc có đóng - có hưởng.
Hồ sơ Luật Việc làm sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10.2024.