Đường sắt cao tốc mở ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm
Việt Nam thúc đẩy phát triển đường sắt đô thị và cao tốc không chỉ tạo cú huých hạ tầng mà còn mở ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm kỹ thuật cao, là “cơ hội vàng” cho người lao động và doanh nghiệp trong nước.
Công nhân ngành đường sắt có cơ hội chuyển đổi việc khi phát triển công nghệ cao. Ảnh: Xuyên Đông
Đại dự án mở lối cho doanh nghiệp và người lao động Việt
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỉ USD không chỉ là biểu tượng của một công trình hạ tầng quốc gia, mà còn là cơ hội phát triển hiếm có dành cho doanh nghiệp trong nước và hàng trăm nghìn lao động kỹ thuật. Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm: Không chỉ mời gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia, mà còn kỳ vọng họ trở thành lực lượng chủ lực trong các mắt xích thiết yếu như thi công, vật liệu, công nghệ, vận hành và bảo trì.
Hơn 10 năm trước, khi các tuyến đường sắt đô thị còn ở giai đoạn manh nha, tập đoàn FECON đã chủ động thành lập công ty con chuyên trách, đồng thời xây dựng chiến lược nhân lực bài bản. Đến nay, họ đã đảm nhiệm nhiều gói thầu lớn tại các dự án nền móng, cầu hầm và công trình kỹ thuật.
“Chúng tôi học từ công trường, không học từ sách vở”, ông Hồ Đức An - Giám đốc Kỹ thuật FECON khẳng định.
Tương tự, Tập đoàn Đèo Cả cũng đang dấn sâu vào lĩnh vực đường sắt bằng việc đào tạo nhân lực tại Trung Quốc, nhập khẩu dây chuyền sản xuất ray, tà vẹt và xây dựng nhà máy phục vụ riêng cho dự án.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, để tham gia hiệu quả vào một dự án có vận tốc khai thác 300km/h, tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chúng ta không thể chờ doanh nghiệp nhỏ tự trưởng thành. Cần liên kết theo chuỗi để tạo sức mạnh tổng hợp.
Cú hích cho thị trường lao động kỹ thuật cao
Không chỉ tạo sức bật cho doanh nghiệp, các dự án đường sắt cao tốc và đô thị còn hứa hẹn mang lại hàng trăm nghìn cơ hội việc làm, từ kỹ thuật viên, kỹ sư đến đội ngũ quản lý.
Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, chỉ riêng giai đoạn 2025 - 2030, ngành này cần khoảng 338.000 lao động. Trong đó, trước mắt cần ngay 9.200 nhân sự quản lý dự án, gần 13.000 chuyên gia tư vấn. Riêng hai tuyến Bắc - Nam và Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, giai đoạn vận hành cần tới 20.000 người; thi công đòi hỏi 70.000 - 80.000 lao động.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang triển khai các chương trình đào tạo bài bản. Vào tháng 6 vừa qua, Trường Cao đẳng Đường sắt đã khai giảng khóa học đầu tiên về đường sắt tốc độ cao, với sự tham gia của khoảng 200 công nhân, kỹ thuật viên.
Cơ hội việc làm còn đến từ khối tư nhân. Các doanh nghiệp như Đèo Cả, Phương Thành, Hòa Phát, FECON, cùng nhiều nhà thầu khác đang chủ động tuyển dụng, đào tạo và chuẩn bị nhân lực từ sớm. Đặc biệt, xu hướng “đặt hàng” đào tạo tại các cơ sở trong nước đang được đẩy mạnh, tạo liên kết chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp - thị trường.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Đường sắt Việt Nam chỉ ra, hạ tầng đào tạo hiện nay chưa theo kịp yêu cầu thực tế, đặc biệt là các chuyên ngành sâu như điều độ, lái tàu tốc độ cao, kỹ thuật hầm, tín hiệu điều hành. Do đó, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với tổng kinh phí lên tới 40.564 tỉ đồng.
Điểm sáng trong chính sách là việc xây dựng cơ chế đặc thù: Từ miễn thuế ODA, tăng quyền kỹ sư tư vấn tại công trường đến hợp đồng linh hoạt theo đơn giá điều chỉnh. Đặc biệt, cơ chế “miễn trừ trách nhiệm” cho cán bộ dám nghĩ - dám làm được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt tâm lý, tránh tình trạng chần chừ làm chậm tiến độ dự án.
Ông Chu Văn Tuân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - cho biết: “Chúng tôi có trách nhiệm thiết kế gói thầu phù hợp, còn việc nắm bắt cơ hội phụ thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp”.
Có thể nói, không chỉ là công trình hạ tầng trọng điểm, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị còn là “cú hích kép” cho cả doanh nghiệp và thị trường lao động kỹ thuật cao tại Việt Nam.