A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán lao động hồi hương

Là tỉnh có số lượng công nhân lao động hồi hương đông nhất cả nước sau đại dịch COVID-19, Thanh Hóa nỗ lực bằng nhiều biện pháp để giúp người lao động yên tâm làm việc tại quê nhà đồng thời giải bài toán phát triển đoàn viên.

Giải bài toán lao động hồi hương

Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa - lì xì cho công nhân hồi hương dịp năm mới. Ảnh: Quách Du

Nỗ lực giải bài toán khó

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thời điểm tháng 12.2021, sau khi một số địa phương ngưng giãn cách xã hội, có khoảng 686.000 người đã trở về từ vùng dịch. Trong đó, Thanh Hóa có số lượng người lao động tự phát về quê cao nhất, với 175.700 người.

Qua rà soát của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, con số về quê lên trên 210.000 người, người trong độ tuổi lao động trở về từ vùng dịch là 160.800 người, trong đó có khoảng 42.500 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề tại quê nhà.

Những con số đó là bài toán khó cho tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, với quyết tâm không để người lao động nào bị bỏ lại phía sau, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều phương án nhằm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động với mục tiêu 100% người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động được bố trí việc làm.

LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở LĐTBXH triển khai hàng chục hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động trở về từ vùng dịch tại một số huyện miền núi; tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến cho trên 6.000 lượt lao động; phối hợp với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc tổ chức liên tiếp nhiều phiên giao dịch việc làm, kết nối trên 1.500 lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng…

Qua các đợt tổ chức đã có 34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm trên địa bàn, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, dệt may, giày da, nhựa, bao bì…

Theo ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Quỹ đã hỗ trợ hàng chục tỉ đồng hỗ trợ giúp công nhân lao động hồi hương sớm ổn định cuộc sống, việc làm.

Giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển đoàn viên

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho hay, giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương cũng giúp số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở tăng lên. Đến năm 2022 toàn tỉnh có 336.920 cán bộ, CNVCLĐ, trong đó, tổng số đoàn viên công đoàn là 316.559 người, sinh hoạt tại 3.684 công đoàn cơ sở, tăng 24% so năm 2018. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa luôn đặt việc phát triển đoàn viên là trọng tâm, mỗi năm đều vượt chỉ tiêu được giao. Đạt kết quả đó nhờ có lực lượng lớn lao động hồi hương, phát triển các doanh nghiệp tại địa phương và sự vào cuộc hỗ trợ nhiệt tình của các cấp công đoàn.

Nếu trước kia, công nhân long đong đi tìm nhà máy thì nay, nhiều nhà máy đã chuyển đến nơi có nguồn lao động dồi dào và nhiều nhà máy rất vất vả trong tuyển dụng, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024, ngành may mặc và da giày dần phục hồi.

Hai doanh nghiệp da giày và may mặc tầm cỡ đến từ Nhật Bản có trụ sở tại KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đều tuyển thêm công nhân để khôi phục lại và mở rộng sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (lĩnh vực may mặc) đã tuyển thêm 1.267 công nhân; Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam (sản xuất giày da) tuyển thêm 874 công nhân trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ở KCN Hoàng Long (TP Thanh Hóa), hai công ty giày da lớn cũng đồng loạt tuyển dụng thêm lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam tuyển dụng thêm 770 lao động và có kế hoạch tuyến dụng tiếp khoảng 1.430 lao động trong khoảng từ nay đến cuối năm. Tương tự, Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam đã tuyển dụng thành công 625 lao động, đang tiếp tục tuyển thêm khoảng hơn 1.000 lao động những tháng cuối năm...

Từ đầu năm đến nay, tại các KCN của tỉnh và có tới Khu kinh tế Nghi Sơn, 11 công ty da giày, may mặc tuyển dụng hơn 6.000 lao động. 10 doanh nghiệp trong số đó vẫn đang triển khai tuyển dụng thêm hơn 8.000 người trong những tháng cuối năm.

Thống kê của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 11.2024, Thanh Hóa có 37 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo việc làm cho hơn 170.000 lao động.

Công ty TNHH South Fame Garments Llimitted về tận huyện miền núi Thường Xuân để đầu tư nhà máy bởi dư địa nguồn lao động ở đây rất lớn. Với hơn 1.800 công nhân hiện có, công ty tự tin ký và chủ động được các đơn hàng trong những tháng cuối năm 2024.

Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, tỉnh đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp may chuyển hướng đầu tư dần từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng, xây dựng thương hiệu riêng để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật