Người lao động chấp nhận chọn lương thấp để được gần nhà
Thay vì “Nam tiến” như trước, hiện nhiều người lao động ở các tỉnh miền Trung chọn phương án ở gần nhà và chấp nhận mức lương thấp hơn trước đó.
Hơn 56.000 lao động của Phú Yên quay về
Chị Lê Thị Diễm My (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), từng làm công nhân công ty may tại tỉnh Bình Dương. Do dịch COVID-19, công việc bấp bênh, chị My chọn nghỉ việc về quê làm lao động tự do.
Mới đây Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên tổ chức phiên giao dịch việc làm tại Tuy An, chị My đến tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định tại công ty may với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. So với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng khi làm công nhân may tại Bình Dương, chị My chấp nhận đi làm với mức thu nhập thấp hơn nhưng được gần gia đình, không bị mất thêm nhiều chi phí ở trọ, đi lại khi làm xa.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên, trong các đợt dịch năm 2021, có hơn 56.000 lao động của Phú Yên ở các tỉnh, thành phố phía Nam trở về. Để giải quyết tình trạng thừa lao động thời điểm đó tỉnh Phú Yên đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động thông qua hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm rà soát, thống kê số lượng lao động có nhu cầu việc làm ở địa phương của mình để sớm có phương án hỗ trợ. Đến nay đa số lao động đã tìm kiếm được việc làm, một số đã chọn ở lại quê làm việc.
Hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động tại Phú Yên mỗi tháng từ 500-1.000 vị trí việc làm. Công ty Cổ phần An Hưng đến cuối năm 2024 cần 350 lao động và năm 2025 dự kiến tuyển 1.500 lao động may có tay nghề...
Bà Ngô Hoàng Vy - Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Khu kinh tế (KKT) Phú Yên - cho biết: Cùng với các giải pháp chăm lo, thời gian qua Công đoàn KKT Phú Yên đã kết nối để doanh nghiệp thiếu lao động tìm kiếm nguồn lao động địa phương.
Lao động chuyển dịch, doanh nghiệp ở Đà Nẵng gặp khó
Nếu như Phú Yên là “điểm về” của nhiều lao động ở phía Nam thì Đà Nẵng - nơi có nhiều khu công nghiệp nhất của miền Trung lại là điểm rời đi của nhiều lao động đến từ Quảng Nam và các tỉnh Bắc miền Trung.
Chị Loan, quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam, ra Đà Nẵng làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Cầm hơn 10 năm nay.
Mới đây, chị và chồng quyết định trả nhà trọ để chuyển hẳn về quê sinh sống, tìm việc với lý do: Không thể yên tâm với hai con trai sống với ông bà nội ở quê đang ngày một lớn.
Tại Diễn đàn “Kết nối Doanh nghiệp” do Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Báo Lao Động, LĐLĐ TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 9.10 vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đã “cầu cứu” thành phố cho giải pháp bởi rất khó tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.
“Trong năm 2024, Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng tăng năng suất lên 30%, vì vậy chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động phổ thông. Tuy nhiên, Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng vẫn không thể tuyển được lao động”, ông Nguyễn Văn Phu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng nói.
610 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Tính đến cuối tháng 10.2024, TP Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 347 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, giảm 5,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 có 366 doanh nghiệp đăng ký mới). Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng 9,8% so với cùng kỳ. Cùng thời gian, toàn thành phố Đà Nẵng có 610 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Không tác động nhiều đến phát triển đoàn viên
Bà Ngô Hoàng Vy - Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Khu kinh tế (KKT) Phú Yên - cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2024, Công đoàn KKT Phú Yên đã phát triển được gần 1.500 đoàn viên, thành lập 2 CĐCS. Theo bà Vy, việc chuyển dịch lao động từ xa về gần không có tác động nhiều đến công tác phát triển đoàn viên tại KCN. Với những lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp ở KCN hầu như 100% đều kết nạp vào tổ chức Công đoàn.