Mừng tuổi cả triệu đồng cho người lao động đi làm sau Tết
Nhiều doanh nghiệp hứa mừng tuổi ngày đi làm đầu tiên sau tết, người lao động phấn khởi mong quay lại công ty, nhà máy.
Doanh nghiệp, người lao động đều vui
Bà Triệu Thị Nghiên - chủ nhiệm 1 hợp tác xã dệt ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, 10 năm nay, hợp tác xã của bà có thông lệ mừng tuổi người lao động trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Tôi nhớ như in, Tết Nguyên đán 2014, khi ấy hợp tác xã có tổng cộng 27 người lao động, ngày mồng 6 đi làm, tôi mừng tuổi mỗi nhân sự 200.000 đồng. Đến Tết Nguyên đán 2024 vừa rồi, quy mô nhân sự lên 123 người với một số bộ phận, cuộc họp đầu năm với đại diện các bộ phận tôi gửi lì xì cho từng nhân sự, trưởng bộ phận sẽ chia cho từng người, mức 1 triệu đồng/người. Dự kiến mồng 6 Tết năm nay, khi mọi người đi làm trở lại, chúng tôi tiếp tục mừng tuổi 1 triệu đồng/người”, bà Nghiên cho hay.
Cũng theo chia sẻ của bà Nghiên, cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều hiểu, khoản mừng tuổi cũng là tiền trong quỹ thưởng đã được cân đối, nhưng ngày đi làm đầu năm, được nhận tiền ai cũng phấn khởi.
Chị Trương Thị Nhài là kế toán của một doanh nghiệp chuyên cung ứng nguyên liệu cho các nhà hàng Nhật Bản trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Làm việc cho doanh nghiệp đã 5 năm nay, năm nào chị Nhài cũng được mừng tuổi 2 triệu đồng vào ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Bộ phận kế toán của chúng tôi được mừng tuổi mức cao nhất, 2 triệu đồng/người; các bộ phận bán hàng, hành chính được mừng tuổi 1 triệu đồng/người. Ngày khai xuân, giám đốc sẽ trao lì xì cho từng bộ phận, ai cũng hân hoan với khoản tiền này. Thú thực là những người có công việc đột xuất hay ốm đau mới không đi làm theo lịch, còn lại anh em ai cũng hẹn ngày đầu xuân lên công ty nhận lì xì, liên hoan… Khoản tiền như động lực để chúng tôi cố gắng hơn cho 1 năm làm việc nhiều thử thách”, chị Nhài chia sẻ.
Thêm gắn bó với công ty
Mừng tuổi cho người lao động không chỉ thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động mà còn là cơ hội tạo nên sự gắn bó giữa đồng nghiệp, giữa các đơn vị, bộ phận trong công ty.
Anh Lê Văn Trung là nhân viên 1 đại lý bán hàng của Honda Việt Nam trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Anh Trung cho hay, nhiều năm nay khoản lì xì ngày đầu năm mới luôn mang lại cho nhân viên niềm vui nhân đôi.
“Chúng tôi vui vì được doanh nghiệp quan tâm, vui hơn nữa là sau khi nâng ly chúc mừng năm mới, các bộ phận góp chung tiền lì xì liên hoan ngày đầu làm việc. Năm thì chúng tôi rủ nhau ra nhà hàng gần nơi làm việc, năm thì gọi đồ ăn về ăn tại công ty. Cỗ bàn không nhiều nhưng trở thành dịp gắn kết, sẻ chia của những đồng nghiệp trong cùng công ty bởi có khi làm ở bộ phận khác nhau, cả năm chúng tôi không có cơ hội hàn huyên gì”, anh Trung chia sẻ.
Chị Bùi Thị Tú hiện là chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Theo chị Tú, lãnh đạo doanh nghiệp nơi chị làm việc luôn bàn bạc với tổ chức công đoàn về mức thưởng, thời gian thưởng Tết cũng như khoản lì xì cho người lao động dịp đầu năm.
“Căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh, công ty tôi thưởng từ 300.000 đồng/người đến mức cao nhất là 1 triệu đồng/người dịp đầu năm mới. Công ty thông qua công đoàn trao lì xì cho anh chị em, ai cũng phấn khởi, cảm nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, thêm tin yêu tổ chức công đoàn. Chúng tôi rất hài lòng vì sự lồng ghép khéo léo này mang lại niềm vui, lợi ích kép: thể hiện được sự quan tâm của doanh nghiệp với người lao động; thể hiện được vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp”, chị Tú nói.