A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Sáng 22/5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp cùng Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề: “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động”.

Kịp thời cung cấp thông tin pháp luật về lao động

Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Phó Tổng biên tập Báo lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Đối thoại

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi đối thoại

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, phát triển sản xuất luôn phải gắn với việc bảo đảm cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Ngành Giao thông vận tải là một lĩnh vực đặc thù, lực lượng lao động trực tiếp tại các công trình hạ tầng giao thông, các dự án giao thông rất đông; môi trường lao động luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm. Thực tiễn tại một số nơi, công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường vẫn còn tồn tại, hạn chế, một số công trình, dự án vẫn để xảy ra tai nạn lao động…

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo tại chương trình

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh, mỗi chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách đều góp phần cùng tổ chức Công đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong đoàn viên, người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề nghị sau chương trình này, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Giao thông vận tải nói riêng, các cấp Công đoàn Thủ đô nói chung tiếp tục có các giải pháp sáng tạo, mô hình hiệu quả để triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động nhằm kịp thời cung cấp cho người lao động những thông tin chính xác liên quan đến kiến thức pháp luật về lao động, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà đoàn viên, người lao động quan tâm.

Không khuyến khích việc rút BHXH một lần

Tại chương trình, các chuyên gia đã trực tiếp giải đáp thắc mắc của người lao động về chính sách pháp luật lao động. Anh Nguyễn Huy Nam, làm việc tại Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội hỏi: “Người lao động đã đi làm và đóng bảo hiểm xã hội 18 năm. Nay họ muốn xin nghỉ và 1 năm sau khi nghỉ sẽ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được không?”.

Nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Các chuyên gia giải đáp tại chương trình

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp: Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, hiện chia làm 2 luồng ý kiến, có thể trả hết hoặc bảo lưu một phần BHXH để khi người lao động muốn quay lại với mạng lưới an sinh thì sẽ có điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù luật mới hay cũ thì vẫn không bỏ đi quy định về giải quyết BHXH 1 lần. Trường hợp người lao động đã đi làm và đóng BHXH 18 năm, nay muốn rút BHXH thì hoàn toàn có thể được. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia và ngay ở Việt Nam cũng không khuyến khích việc rút BHXH 1 lần.

Nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Người lao động đặt câu hỏi tại chương trình

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, làm việc tại Công ty Metro Hà Nội hỏi: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định thì người lao động được hưởng những gì?

Giải đáp vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc nếu người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ. Người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc. Ngoài ra, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi mỗi bên.

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã trả lời cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc; từ đó tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thực thi tốt chính sách pháp luật; đồng thời trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất để phòng tránh các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật