Tết không lương, thưởng của giáo viên mầm non tư thục
Mọi năm, ngoài lương 7 triệu đồng, cô Ngọc được nhận 3-4 triệu tiền thưởng cùng gói quà, nhưng cả năm nay thất nghiệp, cô không biết ngóng Tết vào đâu.
Mọi năm, ngoài lương 7 triệu đồng, cô Ngọc được nhận 3-4 triệu tiền thưởng cùng gói quà, nhưng cả năm nay thất nghiệp, cô không biết ngóng Tết vào đâu.
Cô Đoàn Hồng Ngọc, 39 tuổi, có gần 20 năm gắn bó với nghề giáo. Trước khi là giáo viên mầm non, cô từng dạy trẻ tự kỷ 10 năm ở Hà Nội. Công việc vất vả, mất nhiều thời gian nhưng lương thấp khiến cô nhiều lần muốn nghỉ. Nhưng tình yêu và cái duyên với nghề níu cô lại đến giờ.
Cô giáo quê Nam Định cho hay, mọi năm vào thời điểm này, ngoài lương 6-7 triệu đồng tùy thâm niên, giáo viên trong trường còn nhận thưởng 3-4 triệu đồng và một gói quà Tết.
"Năm nay tôi không nhận được đồng nào, việc còn chẳng có nói gì đến thưởng", cô Ngọc thở dài, cho biết hơn hai tuần nữa đến Tết nhưng chưa biết tính sao.
Trường học đóng cửa vì dịch bệnh khiến các giáo viên tư thục như cô Ngọc thất nghiệp. Những đợt dịch đầu, trường còn xoay được tiền trả lương và đóng bảo hiểm cho giáo viên nhưng dịch kéo dài quá lâu làm các chủ trường kiệt quệ.
Cuộc sống của cô Ngọc và con trai trông chờ cả vào cửa hàng mỹ phẩm online, vốn chỉ phục vụ khách quen. Nhưng dịch bệnh khiến khách dè dặt hơn trong chi tiêu, lại thêm đợt thành phố giãn cách nhiều ngày, cấm các dịch vụ không thiết yếu và shipper giao hàng nên việc buôn bán của người mẹ đơn thân gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên vệ sinh khu vực vui chơi ở một trường mầm non tư thục tại quận Hà Đông, Hà Nội, hồi tháng 5/2021.
Trước dịch, lương giáo viên 7 triệu đồng, cùng doanh thu từ bán hàng online giúp cô Ngọc có khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Kể từ khi phải ở nhà, cô mất nguồn thu nhập chính từ lương. Không lương, không hỗ trợ, hàng hóa ế ẩm, nhiều thời điểm, cô Ngọc phải vay mượn bạn bè để chi tiêu và trả tiền thuê nhà.
Mẹ con cô trả nhà ở trung tâm để chuyển ra ngoại thành trọ trong căn phòng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Cô Ngọc cũng xin đi giúp việc gia đình và làm các công việc bán thời gian. Cô thừa nhận do chỉ có chuyên môn mầm non, không có kiến thức ở các lĩnh vực ngành nghề khác nên hòa nhập với công việc mới không đơn giản.
Cô hiện nhận kèm hai học sinh tiền tiểu học. Nếu ra Giêng, các trường vẫn chưa được mở cửa đón học sinh, cô Ngọc tính chuyển sang bán rau củ cho cư dân ở các khu chung cư hoặc về quê mở nhóm trẻ nhỏ để có thu nhập và bám trụ với nghề.
Theo cô Ngọc, các đồng nghiệp ở trường công cũng gặp khó khăn do thu nhập giảm nhưng còn có chỗ bám víu vì vẫn được hưởng lương cơ bản và đóng bảo hiểm, còn giáo viên tư thục như cô "làm ngày nào ăn ngày ấy".
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tháng 3/2020, thành phố có hơn 3.220 đơn vị giáo dục ngoài công lập với gần 46.000 giáo viên, nhân viên. Trong đó, giáo viên nhóm trẻ đông nhất, khoảng 27.000, mầm non 10.000.
Trong đợt nghỉ phòng dịch đầu năm 2020, 17.580 giáo viên, nhân viên của 1.310 nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học, THPT ngoài công lập không được hỗ trợ lương. Trong đó, giáo viên, nhân viên nhóm trẻ chiếm đông nhất - hơn 16.000.
"Tôi mong chính phủ quan tâm hơn tới lĩnh vực mầm non tư thục và có hỗ trợ cho các chủ trường để họ vực dậy hoạt động. Chỉ khi chủ trường vững mạnh, cuộc sống của chúng tôi mới ổn định và được đảm bảo các chế độ", cô Ngọc nói.
Cuộc sống bấp bênh nhưng cô Ngọc thấy còn may mắn hơn một số đồng nghiệp khi vẫn có thể đi làm và lo được cho con. "Nhiều người bạn của tôi buộc phải đưa cả gia đình về quê vì không trụ nổi. Nếu tình trạng nghỉ dài ngày tiếp diễn, nhiều người sẽ bỏ nghề", cô Ngọc chia sẻ.
Cô Lê Thị Lan, 49 tuổi, cũng định bỏ nghề nhưng nếu không làm cô giáo mầm non, cô cũng không biết chuyển sang công việc gì. Cô đã dạy học suốt 30 năm qua, từng có hơn 12 năm làm việc trong các trường tại TP HCM.
Không có gia đình, bố mẹ đã mất, anh em ở quê đều khó khăn, năm 2017, cô quyết định ra Hà Nội, xin vào một trường mầm non tư thục sau nhiều năm bươn chải. Cô Lan cho hay, giáo viên mầm non tư thục nhận mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Ở một số trường cao cấp, các cô có lương dao động 7 triệu đến 10 triệu đồng.
Mỗi tháng sau khi nhận lương, cô chia nhỏ thành từng khoản tiền ăn, thuê nhà, điện, nước... và dành ra một chút để "nuôi lợn", phòng những lúc ốm đau.
Cô Lan kể, từ khi dịch bệnh xảy ra, trường hỗ trợ được một lần cho giáo viên, 5 triệu đồng cho ba tháng. Năm ngoái, cô được hưởng trợ cấp thất nghiệp 1,5 triệu đồng. Hết các khoản đó, cô đành "mổ lợn" tiêu số tiền phòng thân. Khoản tiết kiệm ít ỏi giúp cô cầm cự được một thời gian.
Chi tiêu ở thành phố đắt đỏ, cô Lan tính về quê nhưng cũng không có công việc phù hợp, trong khi tiền phòng ở Hà Nội vẫn phải đóng. Cô từng đi trông trẻ, giúp việc cho gia đình có con nhỏ nhưng công việc không ổn định, lâu dài. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, cô Lan sống nhờ vào gạo từ quê gửi lên và thỉnh thoảng được một người bạn hỗ trợ chút rau, thịt cùng tiền nhà.
Mọi năm, tháng Tết cô sẽ có lương và thưởng, tổng cộng khoảng 10 triệu đồng. "Năm nay tôi không mong đợi gì", cô Lan nói.
Cô Lan thông cảm với các chủ trường bởi họ cũng khó khăn khi gắng gượng đến giờ. Cô tự nhủ phải xoay xở và giữ tinh thần tích cực để vượt qua khó khăn. Cô hiện đến nhà một phụ huynh thân quen để dạy học.
"Tôi ở lại nhà họ và không phải lo tiền ăn. Tiền lương tùy họ trả. Đó là tất cả Tết của tôi", cô Lan tâm sự.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Bình Minh