'Sư giả’ Thích Tâm Phúc lĩnh án 8 năm tù, mong mỏi được sớm trở về nuôi ước mơ xây chùa
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Phúc (Thích Tâm Phúc) muốn được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình, ở với mẹ già, tiếp tục nuôi ước mơ xây chùa.
Sáng 8/6, Toà án nhân dân huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), người tự xưng là "sư thầy Thích Tâm Phúc” về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Nguyễn Minh Phúc tại toà (Ảnh: Hoàng Giang) |
Sau nửa ngày xét xử, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Minh Phúc mức án 3 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 năm 6 tháng tù "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội danh là 8 năm tù.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của Nguyễn Minh Phúc đã đủ yếu tố thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bản thân biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp. Hành vi của Nguyễn Minh Phúc là nguy hiểm cho xã hội, gây dư luận xấu trong xã hội nên cần xử lý nghiêm.
Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Phúc cho biết mong muốn được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình, chăm sóc mẹ già, tiếp tục nuôi ước mơ xây chùa.
Trước đó, khi được dẫn vào phòng xét xử, nhìn thấy hình bóng thân thuộc, người thân và mẹ già, Nguyễn Minh Phúc đã không cầm được xúc động, bật khóc. Tại phiên toà, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt không lý do lần thứ 2, không ảnh hưởng đến vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2021, bà H.T. (trú huyện Hóc Môn) mua một thửa đất có diện tích hơn 420m2 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi của vợ chồng ông N.V.T., với giá 2,4 tỷ, nhưng chưa được làm thủ tục tách thửa.
Ngày 7/10/2022, thông qua L.V.V. (33 tuổi, trú huyện Củ Chi), bà H.T. quen biết Nguyễn Minh Phúc và nhờ ông này làm thủ tục tách thửa đất nói trên thành 2 thửa, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng. Mặc dù không có chức năng hay mối quan hệ nào để có thể làm thủ tục tách thửa đất, nhưng do quen biết và nhiều lần thuê người làm giấy tờ, bằng cấp giả nên ông Phúc đồng ý. Ông này yêu cầu bà H.T. đưa 135 triệu đồng để lo thủ tục. Bà H.T. chuyển cho ông Phúc 70 triệu đồng.
Nhận được tiền, ông Phúc lên mạng xã hội, thuê làm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Phúc đưa cho bà H.T. 1 bản, còn 1 bản giả và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà H.T. thì giữ lại, hẹn đến khi nạn nhân đưa số tiền còn lại sẽ trả.
Sau khi hành vi bị phát hiện, ông Phúc trốn sang Thái Lan. Qua một thời gian nghe ngóng tình hình, nghĩ rằng sự việc đã lắng dịu nên ông này quay về Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phúc đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Củ Chi triệu tập lên làm việc và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tiếp đó, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu giữ hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua giám định xác định toàn bộ giấy tờ trên là giả.