Bộ Công an đề xuất phạt tù đến 10 năm với người bán thực phẩm giả
Bộ Công an cho biết sẽ đề xuất tăng mức hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực thực phẩm khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.
Bộ Công an cho hay, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả. Ảnh: Bộ Công an
Như Lao Động đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt nhiều đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (giả về chất lượng). Đồng thời đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại.
Liên quan vụ án trên, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên -Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tập trung điều tra, xác minh, xử lý toàn diện, triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo để tăng sức răn đe, phòng ngừa.
Đồng thời rà soát sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại, bảo vệ người tiêu dùng để tham mưu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, bịt kín các sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, bảo vệ người tiêu dùng theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn, gắn trách nhiệm trực tiếp đối với cơ quan quản lý nhà nước, đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm là thực phẩm.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, Bộ Công an sẽ đề xuất tăng mức hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý, Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trong đó đề xuất tăng mức hình phạt đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Trong đó với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Điều 193 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định:
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Buôn bán qua biên giới;
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
Hiện nay tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) chưa có quy định về mức xử phạt đối với người bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử.