Hai vụ mẹ sát hại con sơ sinh rúng động đầu năm: Khi tội ác từ nỗi đau trầm cảm
Người mẹ đang tâm ra tay giết chính con ruột của mình - đó là ác thú. Nhưng có trường hợp, tội ác ấy lại khiến chúng ta phải day dứt khi nó diễn ra trong một cơn đau trầm cảm.
Liên quan đến vụ việc hai mẹ con chết, con nằm trong máy giặt, ngày 6/2, thông tin từ Công an quận Bình Tân, TP.HCM cho hay, qua công tác điều tra hiện trường và lấy lời khai của người liên quan, bước đầu đã làm rõ về cái chết của hai mẹ con xảy ra tại một phòng trọ trên địa bàn.
Công an bước đầu làm rõ về cái chết của hai mẹ con tại phòng trọ ở quận Bình Tân.
Công an cho biết, khả năng người mẹ bị trầm cảm sau sinh, đã sát hại con rồi tự sát tại phòng trọ tại con hẻm ở đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng trên, người đàn bà này đã từng tự vẫn nhưng bất thành.
Trước đó, chiều tối ngày 5/2 (tức mùng 5 Tết Nhâm Dần) hàng xóm phát hiện chị C. chết trong tư thế treo cổ tại phòng trọ. Khi người dân vào trong kiểm tra, phát hiện thêm bé gái 7 tháng tuổi (là con chị C.) cũng tử vong, nằm trong máy giặt.
Được biết, vợ chồng chị C. có hai người con. Trong sáng mùng 5 Tết, người chồng chở đứa con lớn đi chơi. Đến chiều tối, hai cha con trở về thì phát hiện vụ việc đau lòng.
Cũng trong chiều mùng 5 Tết (5/2), vụ việc bé sơ sinh 2 tháng tuổi cũng bị chính mẹ ruột sát hại ở Hà Tĩnh đã gây rúng động dư luận.
Thông tin ban đầu, vào khoảng 6h cùng ngày, người thân phát hiện bé trai 2 tháng tuổi tử vong tại nhà, trên người có nhiều vết thương do dao chém.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường vụ án mạng và xác định, chị Lê Thị H. (SN 1983, trú xóm 11, xã Hương Giang) chính là người mẹ đã dùng dao sát hại con trai của mình.
"Nguyên nhân ban đầu xác định, người mẹ nghi bị trầm cảm sau sinh, nên đã dùng dao sát hại con trai 2 tháng tuổi", lãnh đạo UBND xã Hương Giang thông tin. Lãnh đạo Công an huyện Hương Khê cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên đã dùng dao sát hại con mình.
Trước đó, không ít vụ việc đau lòng tương tự đã xảy ra khiến dư luận phải xót xa.
T (24 tuổi, ở Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã dìm chết con trai 9 tháng tuổi của mình trong xô nước chỉ vì cháu bé khóc lóc không chịu ngủ. Đến khi người nhà phát hiện thì cháu bé đã tử vong. Sự việc xảy ra hôm 18/11/2020, chỉ sau 1 ngày T đi điều trị trầm cảm về.
Một sự việc đau lòng. Một cái chết oan uổng. Nhưng không phải chưa từng xảy ra.
Hẳn nhiều người chưa quên vụ việc rúng động ở Thạch Thất, Hà Nội xảy ra năm 2017. Người mẹ trẻ đã đặt đứa con mới 35 ngày tuổi nằm sấp vào chậu nước rồi bỏ mặc cho đến chết, sau đó để lại dòng chữ nguyệch ngoạc: "Tao sẽ giết cháu mày, Lăng" (Lăng là ông nội cháu bé).
Người mẹ đang tâm ra tay giết chính con ruột của mình - đó là ác thú. Nhưng có trường hợp, tội ác ấy lại khiến chúng ta phải day dứt khi nó diễn ra trong một cơn đau trầm cảm.
Trầm cảm sau sinh: Căn bệnh gây ra nhiều tội ác
Trầm cảm sau sinh là bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay, trầm cảm sau sinh có các triệu chứng đầy đủ là buồn (thể hiện khí sắc, trầm, vẻ mặt buồn rầu), chán (mất hứng thú, sở thích). WHO liệt kê thêm triệu chứng quan trọng nữa là mệt mỏi, giảm năng lượng, hay ngồi hoặc nằm một chỗ.
TS Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K Hà Nội từng tâm sự về nỗi đau của một bà mẹ khi chứng kiến những câu chuyện xung quanh chứng trầm cảm sau sinh. Chi Việt Hương viết:
"Cứ mỗi lần nghe, đọc tin đâu đó có phụ nữ tự vẫn, giết con, gây thảm án...liên quan đến trầm cảm sau sinh là nước mắt tôi lại tuôn rơi, tim như bị bóp nghẹt lại vì tôi cũng là phụ nữ nên tôi thấu hiểu chuyện gì gây ra trầm cảm sau sinh.".
Nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do giảm lượng hormone sau sinh. Tuy nhiên một thực tế đau lòng là nguyên nhân chủ yếu gây ra trầm cảm sau sinh là do người mẹ bị bỏ rơi, không được động viên tinh thần, chăm sóc thể chất thỏa đáng.
Sau sinh, người phụ nữ thường gặp phải hai vấn đề. Thứ nhất, họ sẽ cảm thấy cơ thể như bị vỡ cơ, mệt mỏi, nhiệt độ tăng lên gây ức chế về thần kinh vì nội tiết tố nữ bị ngưng trệ không tiết ra.
Trong giai đoạn này, nhất thiết người nhà phải thường xuyên gần gũi hai mẹ con, chăm sóc em bé để hỗ trợ người mẹ ăn ngủ đúng lúc, đúng chỗ hoặc hỏi han xem họ có những khó khăn gì cần chia sẻ, hỗ trợ gì không. Khi bị trầm cảm, người mẹ luôn ở trạng thái phân tâm, đầu óc luôn ong ong, luôn nghe thấy tiếng nói quanh tai trong trạng thái vô thức về người con như một phiền phức, kẻ thù làm mình khó chịu, bực tức.
Theo chuyên gia tâm lý thì dấu hiệu để nhận biết việc trầm cảm ở các bà mẹ là người mẹ nhìn con một cách chăm chăm, ánh mắt sắc lạnh, hằn lên sự ghét bỏ, bực mình, đôi khi gồng tay, nghiến răng. Ngoài ra, người mẹ bị trầm cảm luôn có cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên. Luôn trong trạng thái mệt mỏi, không muốn làm việc gì.
Đặc biệt, việc mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều sau đó nảy sinh cáu gắt, giận dữ, ăn không ngon và dẫn tới giảm cân. Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có triệu chứng đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa… Tất cả những biểu hiện trên nếu được phát hiện, chia sẻ kịp thời sẽ giúp người mẹ giảm bớt stress, tránh được hậu quả từ trầm cảm gây ra.
Có những người phụ nữ giầu nghị lực và sự chịu đựng phi thường thì họ không tìm đến cái chết. Tuy nhiên họ sống mà đem theo nỗi đau dai dẳng không dễ gì liền được. Chứng trầm cảm này chuyển sang "mạn tính". Chữa bệnh cho những phụ nữ này không thể dùng thuốc, mà phải dùng tình thương thực sự. Và để có tình thương thực sự thì những người chót phạm tội ác phải đủ dũng cảm nhận thức ra tội ác của mình trong quá khứ đã gây ra cho người phụ nữ, thay vì kết tội người phụ nữ "cả nghĩ", "suy nghĩ không tích cực".