Loạt sao Việt quảng cáo sai sự thật: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư, hành vi quảng cáo sai sự thật sản phẩm của các nghệ sĩ đã gây ra thiệt hại cho nhiều người tiêu dùng, có dấu hiệu của tội “lừa dối khách hàng”.
Điệp khúc xin lỗi, đổ lỗi
Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn, hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo điều tra, gần 600 loại sữa bị làm giả, trong đó có nhiều sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh như tiểu đường, suy thận.
Dù quảng cáo với thành phần cao cấp như tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, óc chó..., kết quả kiểm nghiệm cho thấy, những sản phẩm này không hề chứa các nguyên liệu như công bố.
![]() |
Một nhãn hiệu sữa bột giả được Bộ Công an phát hiện. Ảnh: VTV |
Ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều nghệ sĩ Việt từng tham gia quảng cáo các sản phẩm sữa nói trên bị cư dân mạng chỉ trích dữ dội. Biên tập viên Quang Minh và MC Thanh Vân Hugo là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất do từng quảng cáo cho sản phẩm của công ty vừa bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sai quy định.
Tối 15/4, biên tập viên Quang Minh chính thức lên tiếng trên trang cá nhân, thừa nhận trách nhiệm liên quan đến việc quảng cáo sản phẩm sữa bị cho là kém chất lượng. Anh cho biết, việc tham gia quảng cáo dựa trên thông tin từ nhãn hàng và trải nghiệm cá nhân, nhưng nhận thức rõ rằng sử dụng hình ảnh cá nhân để giới thiệu sản phẩm liên quan đến sức khỏe cộng đồng đòi hỏi sự thận trọng cao.
![]() |
Biên tập viên Quang Minh trong một livestream quảng cáo sữa. Ảnh chụp màn hình |
“Tôi xin nhận lỗi vì khiến dư luận băn khoăn và một bộ phận khán giả thất vọng. Tôi không trốn tránh trách nhiệm và sẵn sàng đón nhận hậu quả nếu có sai phạm”, biên tập viên Quang Minh chia sẻ.
Dù phía nhãn hàng từng cung cấp kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, anh vẫn mong muốn có thêm thông tin chính thức từ cơ quan chức năng để đảm bảo khách quan. Biên tập viên Quang Minh cũng khẳng định, không có ý định bảo chứng giá trị y học của sản phẩm hay lợi dụng uy tín cá nhân vì mục đích riêng.
![]() |
Biên tập viên Quang Minh, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog giới thiệu sản phẩm Crilin. Ảnh vietbao.vn |
Ngoài quảng cáo sữa, biên tập viên Quang Minh cũng bị réo tên vì quảng cáo viên uống trinh nữ hoàng cung Crilin Women Health được giới thiệu là công dụng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng cho phụ nữ.
Ngoài biên tập viên Quang Minh, MC Quyền Linh cũng bị công chúng nhắc tên vì từng tham gia quảng cáo cho một số sản phẩm sữa, trong đó đáng chú ý nhất là sữa Diasure - một sản phẩm được giới thiệu là hỗ trợ cho người tiểu đường. Tuy nhiên, quảng cáo này đã vướng nhiều lùm xùm khi bị cho là phóng đại công dụng.
![]() |
MC Quyền Linh đã quảng cáo cho nhiều dòng sữa khác nhau. Ảnh chụp màn hình |
Cụ thể, trong video quảng cáo, Quyền Linh quảng cáo “đây là dòng sữa non hỗ trợ tiểu đường, dòng sữa hỗ trợ tiểu đường đầu tiên tại Việt Nam được ứng dụng công nghệ Nano Canxi của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nên Quyền Linh rất yên tâm và sử dụng”.
Ngày 14/4, Quyền Linh cho biết hoàn toàn không liên quan mua bán, hay quảng cáo bất kỳ sản phẩm, sữa giả. “Tôi không liên quan gì đến 573 loại sữa giả, mọi người cứ yên tâm. Mong mọi người tỉnh táo, đừng để những thông tin sai sự thật dẫn dắt”, nam MC khẳng định.
Gần đây, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là người tiếp theo vướng vào bê bối quảng cáo sai sự thật. Cô từng giới thiệu sản phẩm kẹo rau củ Kera với lời quảng bá “giúp trẻ tăng chiều cao vượt trội”, dù không có cơ sở khoa học chứng minh. Sau khi sự việc gây tranh cãi, Thùy Tiên đã lên tiếng xin lỗi: “Tôi cúi đầu xin lỗi mọi người và nhất định sửa sai”. Cô bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt hành chính 25 triệu đồng và hiện vẫn đang trong quá trình điều tra thêm.
Liên quan đến quảng cáo sữa, trước đó vào tháng 9/2023, Nghệ sĩ ưu tú Cát Tường cũng công khai nhận lỗi vì từng quảng cáo sữa sai sự thật. Dù không vi phạm pháp luật, cô thừa nhận việc dùng những từ ngữ không đúng chuyên môn và tuyên bố “lấy uy tín bản thân bảo đảm chất lượng sản phẩm” là hoàn toàn không phù hợp, vì cô không phải nhà sản xuất. Cát Tường cho biết đã chủ động liên hệ các nhãn hàng để tháo gỡ toàn bộ video quảng cáo sai lệch.
Trước đó, năm 2021, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân cũng từng vướng vào lùm xùm tương tự. Bà thừa nhận thiếu sót trong việc kiểm tra độ tin cậy của sản phẩm và để người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm chức năng thành thuốc chữa bệnh. Nữ nghệ sĩ từng chia sẻ trong quảng cáo rằng, sản phẩm có thể làm khối u nhỏ lại và giúp bệnh tình thuyên giảm, nhưng thực tế chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe thông thường. “Tôi xin cúi đầu nhận lỗi và cảm ơn khán giả đã giúp tôi nhận ra những việc làm chưa đúng của mình”, bà nói.
Một trường hợp đáng chú ý khác là diễn viên Doãn Quốc Đam, người đã xuất hiện trong video quảng cáo sản phẩm Cilonmum Colos IQ Grow 24h của công ty Ranse Pharma - hiện cũng bị điều tra vì sản xuất và lưu hành sữa giả. Trong đoạn video quảng bá, Doãn Quốc Đam từng chia sẻ rằng, hai vợ chồng anh đã tìm hiểu rất kỹ trước khi cho con sử dụng sản phẩm này, khẳng định đây là “dòng sữa hàng đầu”, với nhà máy đạt chứng nhận FDA của Mỹ và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người nổi tiếng không chỉ là hình mẫu trong mắt công chúng mà còn là kênh quảng bá sản phẩm có sức ảnh hưởng rộng lớn. Tuy nhiên, cùng với đó,không ít trường hợp nghệ sĩ, KOL (người có sức ảnh hưởng) quảng cáo quá đà, sai sự thật, thậm chí tiếp tay cho hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Điều đáng nói là sau khi xảy ra hậu quả, trách nhiệm lại bị đẩy qua nhà sản xuất, còn người nổi tiếng thường né tránh trách nhiệm bằng những lời xin lỗi hời hợt hoặc im lặng.
Dư luận cho rằng, đây là vấn đề đáng báo động và cần được xử lý nghiêm, thậm chí phong sát - tức tạm thời hoặc vĩnh viễn cấm xuất hiện trên các nền tảng truyền thông - nếu vi phạm nghiêm trọng.
![]() |
Luật sư Đậu Đức Ninh, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Đậu Đức Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho biết, hành vi quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng sản phẩm và bán hàng trực tuyến ồ ạt đã gây ra thiệt hại cho nhiều người tiêu dùng, có dấu hiệu cấu thành tội “lừa dối khách hàng”.
“Mặc dù bị lừa dối nhưng các nạn nhân thường không khởi kiện, xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, số tiền thiệt hại của mỗi cá nhân không lớn. Thứ hai, thiếu vắng sự hỗ trợ từ các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một yếu tố đáng chú ý là nhiều người mua hàng là người hâm mộ của các nghệ sĩ, dẫn đến việc họ có xu hướng bỏ qua sai phạm. Hệ quả là, tình trạng "sai một lần, xin lỗi một lần" tiếp diễn, thậm chí, mỗi lần xin lỗi lại vô tình làm tăng sự chú ý và độ tin cậy ảo cho những người nổi tiếng này, tạo điều kiện để họ tiếp tục bán được nhiều sản phẩm hơn”, luật sư Ninh phân tích.
Luật sư Ninh cho biết, theo Luật Quảng cáo năm 2012, sửa đổi năm 2018, những hành vi nói quá về giá trị, tác dụng, công dụng của sản phẩm được xác định là quảng cáo sai sự thật, đồng thời, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với hình thức xử phạt hành chính, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền 60-80 triệu đồng (với cá nhân) và 120-160 triệu đồng (với tổ chức).
Đáng chú ý, theo Luật sư Ninh, trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối, theo Điều 197 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, Điều 197 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 10 - 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Ngoài hình phạt chính cải tạo không giam giữ đến 3 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Theo phản ánh từ báo chí và kiểm tra thực tế, Cục An toàn thực phẩm cho biết, nhiều người nổi tiếng và KOL đã quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng sai quy định, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, sai lệch về chất lượng và công dụng. Cục đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các trang vi phạm và cá nhân tham gia quảng cáo sai sự thật, đồng thời báo cáo kết quả để tổng hợp. |