A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự kiến số lượng, độ tuổi đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có thông tin về số lượng và cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới.

Dự kiến số lượng, độ tuổi đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới

Dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ diễn ra sớm hơn so với kỳ bầu cử trước. Ảnh: Hải Nguyễn

Dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 sáng nay (16.4), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã cho biết về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, bối cảnh cuộc bầu cử lần này thể hiện ở 4 vấn đề, đó là: Những đổi mới trong Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND…

Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã.

Sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

Dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Theo đó, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Dự kiến Ngày bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15.3.2026 và ngày 6.4.2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ.

Về phương hướng, nhiệm vụ tổ chức và công tác chuẩn bị, tinh thần chung là như bầu cử nhiệm kỳ trước, tuy nhiên, có yêu cầu mới là: ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bầu cử, trong quản lý danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên và công bố kết quả bầu cử.

Số lượng và cơ cấu ĐBQH, đại biểu HĐND

Về số lượng ĐBQH và HĐND, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, số lượng ĐBQH, dự kiến số lượng là 500 đại biểu, trong đó tỉ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất là 40%.

Định hướng chung về cơ cấu: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; Đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỉ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử ĐBQH.

Số lượng đại biểu HĐND, căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động không chuyên trách thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm thì có 2 Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Ở cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu): Cơ cấu đại biểu chuyên trách ở HĐND dự kiến là 1 Phó Chủ tịch và 2 Phó trưởng Ban.

Định hướng chung về cơ cấu đại biểu HĐND các cấp: Đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỉ lệ không dưới 10% ở từng cấp. Đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), phấn đấu đạt tỉ lệ không dưới 15%. Đại biểu tái cử, phấn đấu đạt tỉ lệ không dưới 30%; bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ. Bảo đảm tỉ lệ hợp lý là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân số của từng địa phương.

Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên, có điểm mới là: ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật.

Tính đến tháng 3.2026 phải đủ tuổi trọn 1 nhiệm kỳ (nam sinh tháng 3.1969, nữ sinh tháng 9.1972 trở lại đây). Tái cử phải còn ít nhất 36 tháng, (nam sinh tháng 3.1967, nữ sinh tháng 5.1971 trở lại đây).

"Và đặc biệt quán triệt yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua là: phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp sẽ ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, hướng dẫn thực hiện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật