Những vấn đề pháp lý trong vụ Ferrari 488 tông chết người ở Hà Nội
Theo luật sư, lái xe sẽ bị xử lý hình sự nếu vi phạm tốc độ và không được miễn trừ ngoại giao. Về dân sự, cần xem đây có phải lỗi hỗn hợp không để xác định trách nhiệm bồi thường.
Khoảng 3h45 ngày 31/10, siêu xe Ferrari 488 do anh H.B.V. (25 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển theo hướng Lê Quang Đạo - Hồ Tùng Mậu va chạm với xe máy đi cùng chiều phía trước ở khu vực trước Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Vụ việc khiến người lái xe máy là ông Lê Đình Hới (58 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) thiệt mạng còn anh V. rời khỏi hiện trường sau vụ tai nạn.
Trường hợp này, tài xế Ferrari có thể phải chịu trách nhiệm ra sao?
Hiện trường vụ tai nạn rạng sáng 31/10. Ảnh: Hồng Quang.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) đánh giá đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Sau khi tiến hành công tác giám định và trích xuất dữ liệu hình ảnh hiện trường, cơ quan chức năng sẽ xác định yếu tố lỗi trong vụ tai nạn, từ đó xác định trách nhiệm dân sự và hình sự (nếu có) của những người liên quan.
Theo nhân chứng vụ tai nạn, khi chiếc xe lao qua, tiếng rít của bô xe như "tiếng máy bay lúc cất cánh". Thời điểm va chạm, âm thanh rất lớn, nổ như tiếng bom. Từ dữ liệu này, ông Giáp đánh giá có khả năng tài xế ôtô đã vi phạm quy định về tốc độ cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trường hợp này, cơ quan công an sẽ tiến hành giám định lại để xác định chính xác tốc độ ở thời điểm va chạm của chiếc xe là bao nhiêu. Nếu có căn cứ xác định lái xe này đã không đảm bảo an toàn, thiếu kiểm soát về tốc độ khi tham gia giao thông và dẫn tới hậu quả làm chết người, người này sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo khoản 1 Điều này, người vi phạm nếu làm chết một người sẽ bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp xác định lái xe không có bằng lái; có bằng lái nhưng không đạt tiêu chuẩn điều khiển chiếc siêu xe; điều khiển xe trong tình trạng say xỉn hay bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, cố ý không cứu giúp người bị nạn... người này sẽ đối diện mức án 3-10 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, ngoài yếu tố lỗi của tài xế Ferrari, cơ quan chức năng cũng sẽ xác định đây có phải trường hợp lỗi hỗn hợp hay không. Nếu có cơ sở cho rằng vụ việc cũng có một phần lỗi của người lái xe máy, tài xế ôtô sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường với phần lỗi mình gây ra. Trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về tài xế Ferrari, người này có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Về thẩm quyền giải quyết vụ án của cơ quan công an, ông Giáp cho biết theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về thẩm quyền điều tra, cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Theo nguồn tin của Zing, chiếc Ferrari 488 Pista Spider này có yếu tố nước ngoài. Do đó, việc Công an quận Nam Từ Liêm bàn giao phương tiện và hồ sơ vụ việc cho Công an TP Hà Nội thụ lý là đúng theo thẩm quyền, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chiếc xe máy của nạn nhân hư hỏng nặng sau cú tông. Ảnh: Hồng Quang.
Cũng theo dõi sự việc, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon) có cùng quan điểm cho rằng trong trường hợp xác định lái xe đã vi phạm tốc độ dẫn tới tai nạn chết người và rời khỏi hiện trường sau vụ tai nạn, người này có thể bị xử lý theo điểm c, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Ngoài ra, về chi tiết chiếc xe gây tai nạn có biển Ngoại giao (NG), ông Long cho biết việc quản lý, tạm giữ phương tiện sẽ tiến hành theo quy định tại Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Điều 2 Nghị định này, đối tượng áp dụng của văn bản là những tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Như vậy, ông Long cho rằng kể cả khi xe Ferrari được đăng ký, sở hữu bởi một cơ quan ngoại giao và có yếu tố nước ngoài, thì vẫn là đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.
Theo khoản 7, Điều 14 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, trường hợp phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự hoặc phương tiện được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông, phương tiện đó sẽ không được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Bởi vậy, do chiếc xe Ferrari là phương tiện gây tai nạn giao thông, nên sẽ bị cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ, bất chấp có yếu tố Ngoại giao hay không. Khi hết thời hạn tạm giữ, cơ quan công an sẽ thực hiện thủ tục trao trả lại theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trích dẫn Thông tư liên tịch số 01/TTLN ngày 8/9/1988, luật sư cho biết những người có thân phận ngoại giao, có hộ chiếu ngoại giao làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam sẽ được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Theo đó, họ được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra. Tuy nhiên, họ phải tôn trọng luật lệ của Nhà nước, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.
Đối với nhân viên hành chính - kỹ thuật, nhân viên phục vụ của các cơ quan đại diện nước ngoài, họ được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra tại Việt Nam trong khi thi hành công vụ, nhưng không được miễn trừ xét xử về dân sự và xử lý về hành chính khi không thi hành công vụ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.
Như vậy, cần làm rõ lái xe biển NG có phải đối tượng được hưởng chính sách miễn trừ ngoại giao hay không. Nếu không, người này vẫn phải chịu trách nhiệm bình thường trước pháp luật.