A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bầu cử Mỹ 2024: Thế trận đảo chiều, ông Trump tự tin sẽ ‘giành chiến thắng’?

Ông Trump vẫn đang nỗ lực tìm cách để giành lại quyền lực Nhà Trắng trong cuộc đua năm nay. Trong khi đó, phía đảng Dân chủ lo lắng về chiến dịch của bà Harris.

Hôm 15/10 (theo giờ địa phương), các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã mang đến cho cử tri cái nhìn sâu sắc và mới mẻ về bản thân họ khi các ứng viên theo đuổi nhóm cử tri chưa quyết định ngày càng ít đi trong cuộc đua sát nút đang đến hồi quyết định.

Ông Trump vừa khép lại buổi gặp gỡ kỳ lạ kéo dài nửa giờ tại một hội trường thị trấn vào thứ Hai, nơi ông nhảy múa trên sân khấu theo nhạc nền chiến dịch. Trong nỗ lực lấy lại thiện cảm của cử tri nữ, cựu Tổng thống tuyên bố: "Tôi là cha đẻ của IVF". Tuy nhiên, chính ông với phe đa số bảo thủ tại Tòa án Tối cao đã gây ra xáo trộn lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tại buổi phát biểu ở Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông Trump đã biến điểm yếu về giao tiếp thiếu mạch lạc thành ưu điểm, gọi đó là “sự đan xen” tinh tế của nhiều ý tưởng mà chỉ thiên tài mới dám thử. Ông còn tái diễn lại lịch sử theo cách riêng, khi tuyên bố đám đông ủng hộ mình ở Washington ngày 6/1/2021 đã tràn đầy “tình yêu và hòa bình” trong nỗ lực chiếm ưu thế cuộc bầu cử năm 2020.

Ông Trump phô trương “sức hấp dẫn”, vượt xa bà Harris ở Georgia

Tại Chicago, ông Trump phác họa rõ ràng những gì ông dự định mang đến Phòng Bầu dục nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, với cam kết triển khai chương trình thuế quan mạnh mẽ nhắm vào các quốc gia và doanh nghiệp.

Ông cũng hồi tưởng về nhiệm kỳ trước, thể hiện phong cách điều hành không ràng buộc bởi thực tế và đôi khi phớt lờ các nguyên tắc kinh tế. Bài phát biểu cho thấy ông vẫn bị chi phối bởi những bất bình cá nhân và niềm tin vào các thuyết âm mưu.

Tuy nhiên, ông Trump cũng lý giải lý do ông thu hút nhiều cử tri, những người cảm thấy một nền kinh tế với giới tinh hoa doanh nghiệp điều hành vì lợi ích riêng. Ông tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa dân túy và biến John Micklethwait, biên tập viên hàng đầu của Bloomberg News, thành đại diện cho giới tinh hoa kinh tế. Khi nhà báo người Anh này chỉ ra rằng thuế quan sẽ làm tăng chi phí cho các công ty và người tiêu dùng, ông Trump đã phản ứng mạnh mẽ, khẳng định, “Ông đã sai cả cuộc đời về vấn đề này.”

Trước đây, ông Trump cũng từng đề xuất rằng chính phủ hoặc các công ty bảo hiểm nên chi trả cho các phương pháp điều trị IVF mà không nêu rõ cách thức thực hiện. Tuy nhiên, bà Harris và đảng Dân chủ đã cảnh báo rằng nếu GOP chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng tới, điều này có thể đe dọa các phương pháp điều trị IVF cũng như các quyền sinh sản khác, sau khi Tòa án Tối cao lật ngược quyền phá thai theo hiến pháp.

Hiện tại, ông Trump đang tụt hậu so với bà Harris trong nhóm cử tri nữ trong hầu hết các cuộc thăm dò và rất cần thu hẹp khoảng cách này khi chỉ còn 20 ngày nữa đến Ngày bầu cử.

Cuộc bầu cử năm nay đầy những tình huống bất ngờ, với sự tham gia của một cá nhân sống sót qua hai vụ ám sát, một Tổng thống lớn tuổi quyết định không tái tranh cử chỉ vài tháng trước Ngày bầu cử và một Phó Tổng thống được giao trọng trách vào phút cuối.

Những thách thức và sức mạnh của nền dân chủ đã được thể hiện rõ vào hôm 15/10 (theo giờ địa phương) khi hơn 300.000 cử tri tại bang chiến trường Georgia đi bỏ phiếu sớm, phá vỡ kỷ lục trước đó. Trong các cuộc bầu cử gần đây tại Peach State, tỷ lệ cử tri đi bầu cao thường mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, dù ông Trump từng khẳng định rằng, việc bỏ phiếu nên diễn ra vào đúng Ngày bầu cử, đảng Cộng hòa vẫn khuyến khích cử tri của mình đi bỏ phiếu sớm, khiến việc dự đoán kết quả lúc này còn quá sớm.

Gabriel Sterling, Giám đốc điều hành Văn phòng ngoại giao Georgia, người từng góp phần bác bỏ các cáo buộc sai lệch về cuộc bầu cử trước đây, khẳng định rằng nền dân chủ của tiểu bang vẫn vững mạnh. “Dành cho những ai nói rằng luật bầu cử của Georgia là Jim Crow 2.0 và cho rằng nền dân chủ đang suy tàn… cử tri Georgia đã gửi đi thông điệp rõ ràng”, ông phát biểu.

Theo khảo sát mới nhất được công bố bởi Đại học tư thục Quinnipiac, ông Donald Trump đang có tỷ lệ ủng hộ từ cử tri nhiều hơn 7% so với bà Harris ở bang Georgia, Mỹ.

Tờ The Hill dẫn số liệu khảo sát được Đại học tư thục Quinnipiac công bố hôm 16/10 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ từ cử tri bang Georgia dành cho ông Donald Trump đang là 52%. Trong khi đó, con số này ở ứng viên Dân chủ Kamala Harris chỉ đạt 45%. Các ứng viên khác như chính trị gia Jill Stein từ đảng Xanh hay Chase Oliver từ đảng Tự do đều có tỷ lệ ủng hộ khoảng 1%.

Cũng theo khảo sát trên, ông Trump cũng nắm sự ủng hộ nhiều hơn bà Harris 7% ở mảng cử tri độc lập, với tỷ lệ lần lượt là 49% so với 42%. Có 4% cử tri độc lập chưa quyết định bầu cho ai. Đối với các ứng viên Stein và Oliver, mỗi người giành 2% tỷ lệ ủng hộ.

Khi được hỏi liệu ai sẽ làm tốt hơn trong việc xử lý các vấn đề kinh tế, có 55% cử tri bang Georgia tham gia khảo sát nói rằng ông Trump làm tốt hơn, trong khi tỷ lệ này ở bà Harris là 43%. Với vấn đề nhập cư, 57% cử tri được hỏi nói ông Trump sẽ xử lý ổn thỏa hơn, trong khi có 41% cử tri lại ủng hộ bà Harris.

Về vấn đề ai “thành thật hơn” giữa hai ứng viên Cộng hòa và Dân chủ, có 44% cử tri ở bang Georgia nói ông Trump thành thật hơn. Trong khi đó, con số này ở bà Harris là 42%.

Theo The Hill, cuộc khảo sát trên của Đại học Quinnipiac được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 10-14/10, với 1.328 cử tri tới từ bang Georgia tham gia. Kết quả khảo sát được công bố chỉ một ngày sau khi hơn 328.000 cử tri bang Georgia đi bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống Mỹ. Bang Georgia hiện nắm 16 phiếu Đại cử tri, và số phiếu này đều rất quan trọng với cả ông Trump và bà Harris.

Bà Kamala Harris và "canh bạc" đặc biệt

Phó Tổng thống Kamala Harris đang tìm kiếm cơ hội mới để cải thiện sự ủng hộ từ nhóm cử tri quan trọng vốn tỏ ra thờ ơ với chiến dịch của bà. Trong nỗ lực trở thành nữ Tổng thống da màu đầu tiên, bà đã đặt sự chú ý đến cử tri nam da màu – nhóm cử tri vừa bị cựu Tổng thống Barack Obama nhắc nhở tuần trước vì có xu hướng ủng hộ đối thủ của bà - ông Donald Trump. Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Charlamagne Tha God, bà Harris tiếp tục phê phán đối thủ, cho rằng ông "yếu đuối" vì thân thiện với các lãnh đạo độc tài.

Ông Trump đang tạo ấn tượng bằng cách thể hiện phong cách hùng biện của mình, trong khi đó, bà Harris lại thẳng thắn bác bỏ những lời chỉ trích rằng bà quá cứng nhắc. "Điều đó được gọi là kỷ luật", bà Harris nói trong cuộc phỏng vấn trên radio.

Nhưng khi đảng Dân chủ lo ngại về khả năng ông Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng, bà Harris bắt đầu ủng hộ nhiều sự kiện tự phát hơn.

Bà Harris đã có bước đi hiếm thấy khi trả lời các câu hỏi trong chương trình phát thanh theo phong cách hội trường thị trấn, đối diện với những thắc mắc khó về cam kết của bà đối với các vấn đề kinh tế của cử tri da màu. Tuần tới, bà sẽ xuất hiện trên Fox News – kênh truyền hình đang có xu hướng ủng hộ cựu Tổng thống Trump, với hy vọng tiếp cận với những nhóm cử tri quan trọng khác. Đây là một phần trong nỗ lực của bà nhằm thuyết phục những người Cộng hòa bất mãn với cựu Tổng thống cân nhắc bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.

Trong khi ông Trump đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với cử tri nữ và bà Harris tập trung củng cố sự ủng hộ từ nam giới da màu, cuộc đua vào vị trí quyền lực nhất thế giới giờ đây giống như cuộc chiến của hai ứng viên nhận ra rằng khắc phục điểm yếu của mình có thể là chìa khóa để giành chiến thắng, hơn là phô diễn sức mạnh.

Với các cuộc thăm dò tại các bang dao động đang giằng co, kết quả bầu cử có thể được quyết định chỉ bởi vài nghìn phiếu ở một số ít bang chiến trường. Điều này buộc cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Trump phải nỗ lực tiếp cận những cử tri tiềm năng, những người hiếm khi đi bầu.

Ở một diễn biến khác, trong cuộc phỏng vấn với Fox News ở bang chiến trường Pennsylvania hôm 16/10, bà Harris cũng nhấn mạnh: "Nhiệm kỳ Tổng thống của tôi sẽ không phải là sự tiếp nối nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden. Tôi sẽ mang theo những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chuyên môn và những ý tưởng mới mẻ. Tôi đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới".

Trước đó, hôm 15/10, ông Biden đã nói rằng bà Harris sẽ "tự tạo ra con đường riêng" cho mình để trở thành Tổng thống.

Bà Harris cũng công kích gay gắt cựu Tổng thống Donald Trump, 78 tuổi, vì đã đe dọa sử dụng quân đội chống lại đối thủ trong nước.

Lần đầu tiên bà Harris có cuộc phỏng vấn với Fox News. Đây được xem là một canh bạc khi bà tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang diễn ra rất căng thẳng. Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến ngày bầu cử (5/11).

Theo đài RT, cũng trong cuộc phỏng vấn, Phó Tổng thống Kamala Harris đã bảo vệ tình trạng sức khỏe tinh thần của ông Biden.

Ông Biden đã dừng chiến dịch tái tranh cử của mình vào tháng 7 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tuổi tác và suy giảm tinh thần, đồng thời đề xuất bà Harris là người thay thế.

Người dẫn chương trình Bret Baier đã hỏi bà Harris lần đầu tiên bà nhận thấy sức khỏe tinh thần của Tổng thống Biden suy giảm là khi nào. Phó Tổng thống Harris trả lời rằng bà đã theo dõi hành động của ông Biden "từ Phòng Bầu dục đến Phòng Tình huống".

Nữ ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ nhấn mạnh, ông Biden có sự phán đoán và kinh nghiệm để làm chính xác những gì ông ấy đã làm khi đưa ra những quyết định quan trọng thay mặt cho người dân Mỹ.

Khi người dẫn chương trình cố đặt câu hỏi tiếp theo, bà Harris đã ngắt lời và chuyển sang tấn công đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, người mà bà liên tục gọi là "bất ổn".

Theo bà, ông Joe Biden không có tên trong lá phiếu, còn ông Donald Trump thì có và người dân Mỹ lo ngại về khả năng lãnh đạo đất nước của ông Trump một lần nữa.

Kể từ khi ông Joe Biden rút khỏi cuộc tái tranh cử, bà Harris đã ca ngợi ông Biden, mô tả quyết định rời khỏi cuộc đua của ông là "một trong những quyết định dũng cảm nhất" mà một Tổng thống có thể đưa ra.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật