Chiến lược mới của Nhật Bản cho thời mới
Đối với Nhật Bản, chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được chính phủ đưa ra là sự điều chỉnh chiến lược an ninh, quân sự và quốc phòng quan trọng nhất và rõ nét nhất trong thời gian 10 năm qua.
Cách đây 10 năm, Nhật Bản lần đầu tiên công bố chiến lược an ninh quốc gia và bây giờ là lần thứ hai, chính phủ Nhật Bản định hướng chính sách và chiến lược quốc gia về an ninh, quân sự và quốc phòng.
Hiện tại so với cách đây 10 năm, tình hình thế giới và cục diện quan hệ quốc tế nói chung, môi trường an ninh chính trị, đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Nhật Bản nói riêng đã thay đổi rất cơ bản và sâu sắc, hàm chứa không ít bất lợi, thậm chí cả rủi ro và nguy hiểm nữa đối với Nhật Bản. Nhiều thách thức và đe dọa an ninh trực tiếp đối với Nhật Bản đã xuất hiện. Vì thế, cũng có thể nói thời cuộc đã buộc chính phủ Nhật Bản phải điều chỉnh chiến lược an ninh, quân sự và quốc phòng. Thời cuộc mới đòi hỏi phải có đối sách mới và nhận thức mới sẽ đưa đến hành động mới.
Được công bố cùng với chiến lược an ninh quốc gia mới này là hai văn kiện chiến lược khác: Định hướng chương trình an ninh quốc gia và Chương trình an ninh trung hạn. Cả ba văn kiện chiến lược của Nhật Bản đều nhằm mục đích tăng cường đáng kể sức mạnh và tiềm lực quân sự và quốc phòng của Nhật Bản. Sức mạnh và tiềm lực quân sự và quốc phòng được coi là công cụ quyết định nhất, quan trọng nhất trong chuyện đảm bảo an ninh quốc gia.
Sự khác biệt cơ bản so với chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên thể hiện rõ nét nhất ở ba nội dung sau:
Thứ nhất, chiến lược mới đề cập - và đây là lần đầu tiên - đến việc xây dựng và tăng cường tiềm lực quân sự để phản công, tức là không những chỉ để phòng thủ trong trường hợp bị tấn công, mà còn cả năng lực quân sự trên thực tế, ra đòn tấn công vào những nơi xuất phát các cuộc tấn công vào Nhật Bản. Như thế có nghĩa là sử dụng biện pháp quân sự nhằm vào mục tiêu ở đâu đó bên ngoài phạm vi lãnh thổ của Nhật Bản.
Việc phản công đáp trả này vốn không được quy định trong hiến pháp hiện hành. Các thời chính phủ Nhật Bản trước đây đã khởi động tiến trình và nỗ lực sửa đổi hiến pháp theo hướng gỡ bỏ những hạn chế và kiềm tỏa liên quan nói trên. Để có thể tiến hành những hành động quân sự phản công đáp trả như đặt ra trong chiến lược an ninh quốc gia mới, Nhật Bản sẽ phải sửa đổi hiến pháp hiện hành. Vì thế, chiến lược mới này sẽ gia tăng áp lực thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp hiện hành.
Thứ hai là chủ trương gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hằng năm, từ mức độ 1% GDP hiện tại lên mức độ 2% GDP - giống như các nước thành viên NATO đã cam kết và quyết định. Từ nhiều năm nay, Nhật Bản tăng liên tục ngân sách quốc phòng hằng năm, nhưng chưa khi nào tăng mạnh tới mức độ như vậy.
Thứ ba là sự xác định rất cụ thể danh tính những thách thức và đe dọa đối với Nhật Bản hiện tại cũng như trong tương lai mà Nhật Bản phải dùng những văn kiện chiến lược mới này để đối phó. Đấy là chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, là Trung Quốc với việc không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự, hiện đại hoá quân đội và sử dụng quân sự trong hành xử ở khu vực Đông Bắc Á, xung quanh Đài Loan, ở khu vực Biển Đông và Nga với cuộc chiến đã phát động ở Ukraina.
Trong chiến lược an ninh quốc gia trước, Nhật Bản còn chủ trương thúc đẩy hợp tác với Nga. Bây giờ, Nga là đối tượng bị Nhật Bản nhìn nhận là thách thức và đe doạ an ninh lớn đối với Nhật Bản.
Với những điều chỉnh chiến lược mới này, chính phủ Nhật Bản tìm kiếm đối sách ứng phó với những vấn đề mới ở thời mới. Chúng mở đường cho việc gây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác của Nhật Bản với các đồng minh và đối tác khác để giúp Nhật Bản gia tăng vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới cũng như hướng tới những chuyển biến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.