A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khả năng Mỹ dỡ trừng phạt Nord Stream 2 bất ngờ được ủng hộ từ Đức

Thành viên liên minh Đức ủng hộ Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt Nord Stream 2 trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Khả năng Mỹ dỡ trừng phạt Nord Stream 2 bất ngờ được ủng hộ từ Đức

Đường ống dẫn khí Nord Stream trong quá trình xây dựng. Ảnh: Gazprom

Tờ Politico đưa tin, bà Nina Scheer - phát ngôn viên năng lượng của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), hiện là đối tác liên minh trong chính phủ mới - đã công khai ủng hộ khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ với Nord Stream 2 AG, công ty vận hành đường ống khí đốt Nord Stream 2 nối Nga và Đức.

“Các lệnh trừng phạt của Mỹ ngay từ đầu đã vi phạm luật pháp quốc tế” - bà Scheer tuyên bố với Politico. “Việc dỡ bỏ chúng là hợp lý nếu điều đó mở ra cơ hội ngoại giao để chấm dứt xung đột”.

Dù nhấn mạnh rằng Đức vẫn kiên định với quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, phát biểu của bà Scheer đang khiến nội bộ chính phủ Đức đứng trước nguy cơ phân hóa, nhất là khi SPD chỉ là đảng liên minh nhỏ trong chính phủ do phe bảo thủ của Thủ tướng tương lai Friedrich Merz lãnh đạo.

Thông tin trên xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử đặc phái viên Steve Witkoff tiến hành nhiều vòng đàm phán không chính thức với phía Nga. Đáng chú ý, Ukraina bị loại khỏi bàn thương lượng, trong khi các chủ đề xoay quanh “giảm căng thẳng và khôi phục quan hệ kinh tế”, bao gồm cả việc tái kích hoạt Nord Stream 2, đã được đưa ra thảo luận.

Tuy nhiên, với nhiều người châu Âu, đây là một “giao kèo nguy hiểm”. Ông Michael Gahler, người phát ngôn chính sách đối ngoại của Đảng Nhân dân châu Âu tại Nghị viện EU, cảnh báo: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc việc chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như sẵn sàng phản bội Ukraina, làm ngơ luật pháp quốc tế và trao cho Nga sự miễn trừ”.

Về phía chính quyền Berlin, Bộ Kinh tế và Hành động vì Khí hậu Đức ngay lập tức bác bỏ khả năng khôi phục Nord Stream 2, bất kể Mỹ làm gì. “Đường ống này chưa từng được chứng nhận hợp pháp. Việc đưa vào sử dụng không nằm trong tính toán của chính phủ” - người phát ngôn của Bộ này nhấn mạnh.

Sau khi xung đột Ukraina bùng phát vào năm 2022, Đức đã nỗ lực giảm mạnh sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, từ hơn 50% trước xung đột xuống còn chưa đến 10% vào năm 2024.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2, vốn chưa từng được vận hành chính thức, đã bị đóng băng vô thời hạn ngay trước thời điểm chiến sự nổ ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với giá năng lượng cao và nguồn cung khí đốt từ Trung Đông chưa ổn định, những tính toán địa chiến lược có thể sẽ một lần nữa đặt lợi ích năng lượng lên bàn cân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật