A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoảnh khắc gây chấn động nhất trong lịch sử Oscar

Trong lễ trao giải Oscar năm 1973, tài tử Marlon Brando đã không xuất hiện, mà thay mặt cho ông là một nhà vận động người Mỹ bản địa - Sacheen Littlefeather.

Khi nhắc tới một sự cố ở lễ trao giải Oscar, có thể bạn sẽ nghĩ đến việc Warren Beatty tuyên bố nhầm phim xuất sắc năm 2017 là La La Land thay vì Moonlight, và phải chữa lời ngay sau đó. Hoặc gần đây hơn là vào năm ngoái, khi Will Smith đi thẳng lên sân khấu và tát vào mặt Chris Rock vì dám giễu cợt vợ mình là Jada Pinket.

Đây đều là những sự kiện ầm ĩ, nhưng chúng không thể so sánh với khoảnh khắc gây chấn động diễn ra vào tối 27/3/1973, trong buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 45. Những gì xảy ra trong ngày hôm đó có thể tóm gọn lại bằng hai từ: Sacheen Littlefeather.

cu soc Oscar anh 1

Nhà hoạt động cho quyền của người Mỹ bản địa, Sacheen Littlefeather, xuất hiện trên sân khẩu lễ trao giải Oscar lần thứ 45. Ảnh: Zuma24

Sự xuất hiện bất ngờ

Nhà hoạt động người Mỹ bản địa, khi đó mới 26 tuổi, xuất hiện tại lễ trao giải để từ chối tượng vàng Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc - vốn được dành cho Marlon Brando vì màn trình diễn kinh điển trong phim Bố Già.

"Xin chào, tên tôi là Sacheen Littlefether", người phụ nữ trẻ tuổi nói sau khi từ chối bức tượng Oscar từ các diễn viên Roger Moore và Liv Ullmann.

"Tôi là người thuộc bộ tộc Apache và tôi là chủ tịch của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Hình ảnh Người Mỹ bản địa. Tôi là người đại diện cho Marlon Brando tối nay, và ông ấy nhờ tôi nói với các bạn... rằng ông ấy rất tiếc khi không thể nhận giải thưởng hào phóng này", cô Littlefeather nói.

"Và lý do cho hành động này là để phản đối sự đối xử của ngành công nghiệp phim với cộng đồng người Mỹ bản địa, trên các chương trình truyền hình và phim ảnh, và cũng vì những gì xảy ra gần đây ở Wounded Knee. Tôi mong rằng tôi đã không phá vỡ buổi tối hôm nay, và rằng trong tương lai, trái tim và sự thấu hiểu của chúng ta sẽ gặp nhau bằng tình thương và lòng vị tha. Thay mặt Marlon Brando, xin cảm ơn", nhà hoạt động 26 tuổi kết thúc bài phát biểu ngắn ngọn của mình.

Ngày nay, có lẽ rất khó để hiểu tại sao những gì diễn ra ngày hôm đó lại gây sốc. Nếu xem lại video về khoảnh khắc này trên YouTube, bạn có thể nghe thấy tiếng la ó ngay từ những người có mặt trong khán phòng.

Trong những lễ trao giải Oscar gần đây, việc một ngôi sao điện ảnh sử dụng bài phát biểu lúc nhận giải để đưa ra quan điểm chính trị đã trở thành điều rất bình thường. Susan Sarandon kêu gọi chính phủ Mỹ ngừng kỳ thị người tị nạn nhiễm HIV, Sean Penn kêu gọi sự bình đẳng cho người đồng giới, còn Leonardo Di Caprio thì muốn mọi người chú ý nhiều hơn đến biến đổi khí hậu.

Nhưng vào thập niên 1970, việc sử dụng tầm ảnh hưởng của một ngôi sao điện ảnh để đưa ra tuyên ngôn mang tính chính trị vẫn còn là một điều gì đó quá mới mẻ, và thường không nhận được sự ủng hộ nhiều như bây giờ.

Jane Fonda có thể coi là một trong những người tiên phong cho phong trào này, với việc công khai thể hiện quan điểm phản chiến của bà trong thập niên 1970. Nhưng việc làm điều đó ở một sự kiện lớn như Oscar có lẽ vẫn còn là điều gì đó quá "cấp tiến" đối với sự bảo thủ của Hollywood khi đó.

cu soc Oscar anh 2

Sự xuất hiện và bài phát biểu của Sacheen Littlefeather đã khiến cả Hollywood bị sốc. Ảnh: Bettmann Archive.

 

Điều đó có lẽ giải thích phần nào cho những tiếng la ó mà bạn có thể nghe thấy trong khán phòng sau bài phát biểu của Sacheen Littlefeather. Tài tử Clint Eastwood, xuất hiện sau Littlefeather trên sân khấu, thậm chí còn chế giếu bài phát biểu của nhà hoạt động 26 tuổi.

"Tôi không biết liệu mình có nên trao giải thưởng này thay mặt cho những chàng cao bồi bị bắn trong phim Viễn Tây của John Ford những năm qua", tài tử nói.

Góp phần thay đổi chính sách với người bản địa

Cũng cần phải nói đến những hoạt động đấu tranh đòi bình đẳng của người Mỹ bản địa trong quãng thời gian này. Sacheen Littlefeather khi đó cũng thành viên của Phong trào Người da đỏ Mỹ (AIM), tổ chức mới được thành lập năm 1968.

Và như bà Littlefeather có nói, Oscar năm 1973 cũng diễn ra vào thời điểm vụ bao vây Wounded Knee ở bang South Dakota. Đây là sự kiện mà khoảng 200 thành viên AIM đã chiếm đóng thị trấn Wounded Knee, yêu cầu chính phủ Mỹ thực hiện sự đối xử công bằng và bình đẳng cho người Mỹ bản địa.

Trong bối cảnh như vậy, sự xuất hiện và bài phát biểu của Sacheen Littlefeather đã gây nên những phản ứng trái chiều. Tờ Hollywood Reporter ngày hôm sau đã đăng một bài của ban biên tập để chỉ trích hành động của Marlon Brando. Trong khi đó, nhà sản xuất phim Bố Già Robert Evans thì lại lên tiếng ủng hộ nam diễn viên.

Sự chia rẽ này có lẽ cũng góp phần tạo nên những câu chuyện xa hơn về việc bà Littlefeather đã bị xúc phạm như thế nào. Thậm chí còn có tin đồn rằng diễn viên John Wayne, người nổi danh với các vai cao bồi chuyên tiêu diệt thổ dân da đỏ trên phim, đã đùng đùng đòi lao tới tấn công Sacheen Littlefeather, và phản cần đến 6 nhân viên bảo vệ để cản ông lại.

Theo nhà vận động người Mỹ bản địa, bà cảm thấy bị quấy rối và phân biệt đối xử vì bài phát biểu của mình, trong phần còn lại của sự nghiệp. Bà Littlefeather cũng tin rằng mình đã bị ngành giải trí đưa vào danh sách đen. Vào cuối những năm 1970, sau một vài vai diễn ít ỏi và một lần xuất hiện trên tạp chí Playboy, sự nghiệp của bà Littlefeather dường như đã vụt tắt.

 

Hồi tháng 6/2022, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, đơn vị bầu chọn giải Oscar hàng năm, đã gửi lời xin lỗi chính thức tới Sacheen Littlefeather. Sau đó, viện cũng tổ chức một buổi trò chuyện để "chữa lành" với nhà hoạt động người Mỹ bản địa. Việc này diễn ra chỉ khoản một tháng trước khi bà qua đời ở tuổi 75 vào tháng 10/2022.

Vấn đề cũng trở nên phức tạp khi có những điều tra cho rằng Sacheen Littlefeather không phải là hậu duệ của bộ tộc Apache mà bà tự nhận. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều này không làm giảm giá trị bài phát biểu của bà trong buổi lễ trao giải Oscar năm 1973.

cu soc Oscar anh 3

Cho đến cuối đời, bà Sacheen Littlefeather vẫn tiếp tục các hoạt động đòi quyền lợi cho người Mỹ bản địa. Ảnh: AP.

"Đối với tôi, đây không phải là vấn đề. Cho dù bà ấy (Littlefeather) có phải là thành viên của của các bộ lạc mà bà ấy thuộc về, rõ ràng bà ấy có được sự chấp nhận từ những lãnh đạo trong cộng đồng của chúng tôi", ông Adam Piron, giám đốc chương trình bản địa tại Viện Sundace, nhận định.

"Những gì xảy ra với Brando và giải Oscar đã có tác động không thể đo đếm được: bà Sacheen Littlefeather đã giúp phá vỡ sự im lặng của truyền thông về sự kiện Wounded Knee (nơi Bộ Tư pháp Mỹ cấm nhà báo đưa tin), và điều đó bắt đầu giúp thay đổi chính sách và luật pháp thực tế trong việc đối xử với người Mỹ bản địa", ông Piron nói thêm.

Di sản của Marlon Brando

Nếu xem xét đến nội dung đầy đủ thông điệp của Marlon Brando, thứ mà bà Littlefeather đã không được phép đọc toàn bộ tại buổi lễ trao giải Oscar, nhưng sau đó đã được chia sẻ với báo chí, thì không khó để nhìn ra cốt lõi của vấn đề.

 

"Tôi không muốn xúc phạm hay có ý hạ thấp những người tham gia tối nay. Có lẽ vào lúc này bạn đang tự hỏi bản thân mình rằng cái quái này thì có liên quan gì đến Giải thưởng của Viện Hàn lâm... Ngành công nghiệp điện ảnh cũng phải chịu trách nhiệm trong việc hạ thấp phẩm giá của người da đỏ. Khi trẻ em da đỏ xem truyền hình hay xem phim, tâm trí chúng bị tổn thương theo những cách mà chúng ta không bao giờ hiểu được. Nếu chúng ta không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với người khác, thì cũng đừng làm đao phủ kết liễu họ", bà nói.

Về cơ bản, những hoài nghi về nguồn gốc của Littlefeather không làm giảm đi tính quan trọng của thông điệp mà bà đã gửi đi. Ý định của Marlon Brando là muốn nâng cao nhận thức của mọi người về hoàn cảnh của người Mỹ bản địa, và những năm tháng họ bị xúc phạm và phân biệt chủng tộc trên màn ảnh.

"Tôi nghĩ người bản địa mới có quyền quyết định họ cảm thấy như thế nào về di sản của Littlefeather. Nhưng hành động của bà ấy dựa trên nền tảng mà Brando trợ giúp, đã có tác động lớn... Đó là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tạo tiền đề cho những bước tiến tiếp theo - tăng cường hoạt động của các cộng đồng người Mỹ bản địa, và sự nhận thức của các cộng đồng khác về quyền của chúng tôi. Trước đây, chính sách của Mỹ đơn giản là hủy diệt bản sắc của người Mỹ bản địa, để anh ta chỉ là một người Mỹ", ông Piron nhận xét.

Mặc dù có một đời sống cá nhân ồn ào, Marlon Brando luôn luôn là một người ủng hộ nhiệt thành cho phong trào quyền công dân ở Mỹ. Bản thân ông đã tham gia cuộc tuần hành nổi tiếng năm 1963 ở Washington. Không thể phủ nhận rằng trái tim của ông đã đặt đúng chỗ, và theo một cách rất hiện đại, ở thời điểm đó khi ông kêu gọi sự quan tâm đến trẻ em, điện ảnh và sự đại diện.

cu soc Oscar anh 4

Giải Oscar cho nam chính xuất sắc năm 1973 dành cho Marlon Brando với vai diễn Don Vito Corleone trong bộ phim Bố Già của đạo diễn Francis Ford Coppola. Ảnh: Paramount.

Như ông Piron đã chỉ ra, những gì Marlon Brando và Sacheen Littlefeather làm đã tạo ra khác biệt, và rất nhiều người bên ngoài cộng đồng người Mỹ bản địa có thể không nhận ra điều đó.

"(Những gì họ đã làm) đã thay đổi cán cân của việc truyền thông không đưa tin và xóa bỏ những gì đang diễn ra. Mọi người đang quen nhìn đi chỗ khác, và sự kiện này đã buộc mọi người phải đối diện với sự thật", ông Piron nói.


Tác giả: Sơn Trần
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật