Kịch bản khí đốt Nga tái xuất châu Âu
Viễn cảnh thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraina làm dấy lên hy vọng về khôi phục khí đốt Nga ở châu Âu.
Khí đốt Nga được kỳ vọng tái xuất ở châu Âu. Ảnh: Xinhua
Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin rằng nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu có thể tăng trở lại nếu một thỏa thuận do Mỹ dẫn dắt nhằm chấm dứt xung đột Ukraina được ký kết.
Tại sao châu Âu có thể quay trở lại với khí đốt Nga?
Yếu tố quan trọng nhất chính là yếu tố giá rẻ. Dù EU đã cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, những áp lực về giá năng lượng vẫn đang tạo ra sức ép lên khu vực.
Sau cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, giá khí đốt tại châu Âu vẫn chưa hoàn toàn giảm xuống mức trước đó.
Nhiều ngành công nghiệp tại Đức đang mong muốn cơ hội nhận lại khí đốt Nga vì giá năng lượng cao đang ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài.
Các quốc gia từng phụ thuộc vào dòng khí từ thời Liên Xô, như Slovakia, đang thể hiện mong muốn khí đốt Nga trở lại qua hệ thống đường ống.
Lý do lạc quan
Ông Putin lạc quan về việc châu Âu sẽ mua thêm khí đốt Nga vì có khả năng quan hệ giữa Mỹ và Nga ấm lên.
Mỹ đang tìm cách hợp tác với Gazprom, công ty khí đốt nhà nước Nga, để khôi phục đường ống Nord Stream giữa Nga và Đức. Một nhà đầu tư Mỹ, Stephen Lynch, có thể mua lại công ty vận hành Nord Stream 2 nếu công ty này bị phá sản, giúp Mỹ có lợi ích trong dự án.
Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cũng có thể giúp Nga tăng xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, khi Nga còn dư công suất từ dự án Arctic LNG 2, vốn bị gián đoạn do lệnh cấm của Mỹ. Tổng thống Trump từng đề xuất dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nếu đạt được thỏa thuận hòa bình ở Ukraina.
Nga từng là nước cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất cho châu Âu. Ảnh: Xinhua
Rào cản
Bloomberg cũng chỉ ra các rào cản khiến khí đốt Nga khó quay lại châu Âu.
Trước hết, EU đang thực hiện kế hoạch loại bỏ hoàn toàn năng lượng Nga vào năm 2027, dù tài liệu chính thức bị hoãn công bố.
Thứ hai, nhiều khách hàng lớn của Gazprom, như Uniper (Đức) và OMV (Áo), đã hủy hợp đồng dài hạn sau các phán quyết trọng tài. Một số công ty khác như Eni (Italy) và Engie (Pháp) vẫn đang kiện Gazprom và khó có khả năng mua lại khí đốt trước khi giải quyết xong tranh chấp.
Thứ ba, hạ tầng bị hư hại. Cả hai đường ống Nord Stream dưới biển đã bị phá hoại năm 2022, và một tuyến của Nord Stream 2 cũng bị ảnh hưởng. Tuyến còn lại chưa bao giờ được Đức cấp phép sử dụng. Dù ông Putin tuyên bố tuyến này vẫn có thể cung cấp khí đốt, nó cần bảo trì trước khi vận hành, và chưa rõ mất bao lâu để hoàn thành.
Thứ tư, rào cản từ Ba Lan. Khí đốt qua đường ống Yamal-Europe qua Ba Lan có thể được khôi phục, nhưng chính phủ Ba Lan phản đối mạnh việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Thứ năm, dù khả năng quá cảnh qua Ukraina có thể là phương án có lợi cho cả hai bên, các cuộc đàm phán trước đây giữa tập đoàn dầu khí Gazprom Nga và Naftogaz Ukraina thường kéo dài và phức tạp.
Bên cạnh đó, chưa rõ hệ thống đường ống dẫn khí ở khu vực biên giới có bị hư hại do xung đột quân sự hay không, đặc biệt tại tỉnh Kursk (Nga), nơi từng là điểm trung chuyển khí quan trọng.