Làn sóng phá sản lên mức cao nhất ở một nước EU
Làn sóng phá sản ở Thụy Điển tăng vọt khi cuộc khủng hoảng nhà ở tấn công các công ty xây dựng.
Số vụ phá sản của Thụy Điển - quốc gia thuộc EU - đã tăng lên mức cao nhất trong ít nhất một thập kỷ vào tháng 1, khi các công ty xây dựng chịu áp lực từ sự hỗn loạn trên thị trường nhà đất - Bloomberg đưa tin.
Số lượng các công ty nộp đơn xin phá sản tăng 47% so với một năm trước đó vào tháng 1, lên 622, theo cơ quan tham khảo tín dụng UC. Dữ liệu nêu bật tác động của đợt sụt giảm giá nhà tồi tệ nhất ở Thụy Điển trong ba thập kỷ, góp phần làm gia tăng các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực xây dựng, với 130 công ty xây dựng nộp đơn xin phá sản vào tháng trước.
Nhà kinh tế Johanna Blome của UC cho biết: “Trong suốt mùa thu, chúng tôi đã chứng kiến làn sóng phá sản trong các doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng như bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Bây giờ chúng tôi nhận thấy sự gia tăng phá sản lớn nhất đang diễn ra trong các lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với ngành và các khoản đầu tư dài hạn”.
Thị trường nhà ở Thụy Điển đã trở thành biểu tượng của tình trạng đang diễn ra trên toàn thế giới khi lãi suất tăng và các hộ gia đình bị áp lực bởi chi phí ngày càng tăng. Giá nhà giảm 16% so với mức cao nhất trong quý 1 năm ngoái và các nhà kinh tế dự đoán đà trượt dốc sẽ tiếp tục diễn ra, xóa sạch những khoản lãi quá lớn trong đại dịch COVID-19.
Tình trạng này dự kiến sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong việc xây dựng nhà mới. Ủy ban Nhà ở Quốc gia Thụy Điển ước tính nhà ở bắt đầu giảm 44% trong năm nay xuống còn 33.000. Theo dữ liệu của văn phòng thống kê, ngành xây dựng là ngành sử dụng lao động chính, hơn 350.000 trong số 5,1 triệu nhân viên của Thụy Điển làm việc trong lĩnh vực này.
Một công bố dữ liệu riêng của Creditsafe hôm 1.2 cho thấy ba trong số năm công ty lớn nhất phá sản vào tháng 1 là trong ngành xây dựng.
Hoạt động xây dựng sụt giảm có thể ảnh hưởng đến kinh tế, tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm nay sau khi giảm vào quý 4 năm 2022. Ngân hàng trung ương Thụy Điển sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tìm cách kiểm soát lạm phát mà không gây thiệt hại quá lớn cho nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Riksbank dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm nửa điểm phần trăm tại cuộc họp vào tuần tới và tiếp tục tăng chi phí đi vay với tốc độ chậm hơn vào tháng 4. Những lo ngại về dự báo suy thoái cho đến nay phần lớn đã bị ngân hàng trung ương gạt sang một bên, các quan chức vẫn tập trung vào nhiệm vụ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.