Mỹ đề cao và tranh thủ Ấn Độ
Sau chuyến thăm Ấn Độ vừa rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Mỹ từ ngày 22.6 tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ sắp tới, ông Modi được Quốc hội Mỹ mời phát biểu trước phiên họp toàn thể chung của Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Cho tới nay, chỉ có ít chứ không nhiều quốc khách của Mỹ được mời phát biểu trước diễn đàn như vậy.
Đối với ông Modi, đây là lần thứ hai và bản thân ông Modi còn là người từng bị phía Mỹ cấm nhập cảnh. Cho nên có thể thấy Ấn Độ và cá nhân ông Modi được phía Mỹ coi trọng như thế nào.
Sự coi trọng đặc biệt này cũng được ông Kurt Campbell, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh với những mỹ từ to tát trước thềm chuyến đi Mỹ của ông Modi. Ông Campbell đánh giá chuyến thăm này của ông Modi có ý nghĩa và tác dụng nâng tầm mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ, thuộc diện các mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất đối với Mỹ. Người này quả quyết Ấn Độ đóng vai trò vô cùng quan trọng trên thế giới nói chung chứ không chỉ có ở trong chiến lược của Mỹ.
Bầu không khí chính trị ở Mỹ cho chuyến công du của ông Modi xem ra rất thuận lợi nhờ những chuẩn bị chào đón nói trên và nhờ cả kết quả mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặt hái được khi ở thăm Ấn Độ.
Ông Austin và người đồng cấp Ấn Độ đã kí kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự. Theo đó, Ấn Độ và Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác cùng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao mới về quân sự và quốc phòng, cũng như hợp tác cùng sản xuất những hệ thống vũ khí và khí tài quân sự hiện đại mà hai bên hiện đã có. Chất lượng mới của mối quan hệ hợp tác song phương biểu hiện ở đấy, tin cậy lẫn nhau cao hơn và gắn kết với nhau chặt chẽ hơn cũng ẩn hiện ở trong đấy.
Mỹ đề cao và coi trọng Ấn Độ vì có nhiều lợi ích chiến lược cơ bản và lâu dài trong mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ. Xưa nay, Ấn Độ chưa khi nào là đồng minh của Mỹ trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp của ngôn từ. Nhưng Ấn Độ luôn luôn là một đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ, bất kể phe cánh chính trị nào lên và đang cầm quyền ở Mỹ. Ấn Độ xưa nay, bất kể đảng phái chính trị nào cầm quyền, cũng không xung khắc với Mỹ.
Liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraina giữa Nga và Ukraina, Ấn Độ không hùa theo Mỹ và phương Tây đối đầu và trừng phạt Nga, chống lưng cho Ukraina quyết chiến với Nga đến cùng. Mỹ rất muốn lôi kéo Ấn Độ về cùng phe, nhưng không thể và không dám gây áp lực đối với Ấn Độ trong chuyện này. Đối với Mỹ, tranh thủ và lôi kéo Ấn Độ về cùng phe đối đầu Nga và ủng hộ Ukraina không quan trọng và cần thiết bằng tranh thủ và lôi kéo Ấn Độ về cùng phe đối phó Trung Quốc.
Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới và Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ. Vì thế, Mỹ muốn có phần và phần nhiều trong việc đáp ứng các nhu cầu tăng cường vũ trang của Ấn Độ, qua đó đồng thời còn có thể phân rẽ Ấn Độ với Nga. Thỏa thuận mới nói trên giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước có tầm quan trọng đặc biệt đối với Mỹ cả trên phương diện này.
Ấn Độ và Mỹ còn tranh thủ và đề cao lẫn nhau do cùng mục tiêu và lợi ích thiết thực trong chuyện đối phó Trung Quốc nói chung và đối phó kế hoạch "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc nói riêng, cũng như trong công cuộc chinh phục và kiến tạo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Trong việc thực hiện những mục tiêu và lợi ích chung này, không có đồng minh hay đối tác nào khác của bên này có thể thay thế Mỹ đối với Ấn Độ và thay thế Ấn Độ đối với Mỹ. Một khi hai bên tranh thủ và coi trọng nhau như thế thì chuyến đi Mỹ của ông Modi chỉ có thể thành công vang dội thôi.