A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga xúc tiến rút khỏi hiệp ước vũ khí châu Âu

Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm một quan chức giám sát việc nước này rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu (CFE).

Nga xúc tiến rút khỏi hiệp ước vũ khí châu Âu

Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện) Konstantin Kosachev. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Nga bày tỏ ý định chính thức rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu - một thỏa thuận minh bạch quân sự đang bị đình chỉ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã được Tổng thống Vladimir Putin chỉ định làm đại diện chính thức để giám sát thủ tục bãi bỏ hiệp ước này tại Quốc hội Nga. Việc bổ nhiệm được công bố ngày 10.5 trong thông báo thường xuyên của Điện Kremlin. Ông Ryabkov sẽ đại diện cho chính phủ trong cả hai viện của quốc hội liên quan đến việc rút khỏi hiệp ước.

Ông Leonid Slutsky, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) chia sẻ với RIA Novosti, dự thảo luật Nga rút khỏi hiệp ước có thể được công bố sớm nhất trong tuần này. Duma Quốc gia (Hạ viện) có thể thảo luận về vấn đề này vào ngày 16.5. Ông Slutsky lưu ý, Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu "từ lâu đã chỉ tồn tại trên giấy tờ". Với thực trạng hiện tại, việc từ bỏ hiệp ước sẽ "củng cố lợi ích và an ninh quốc gia của Nga".

Theo TASS, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện) Konstantin Kosachev cho biết, dù Nga đang thúc đẩy rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu, nhu cầu đối thoại công bằng về kiểm soát vũ khí thông thường vẫn rất quan trọng.

"Qua bãi bỏ hiệp ước CFE, Nga đang loại bỏ một tài liệu không phù hợp với thực tế khỏi chương trình nghị sự nhưng không đặt dấu chấm hết cho đối thoại về kiểm soát vũ khí thông thường, mà đối thoại lần này phải bình đẳng" -  ông lưu ý.

Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu là một trong những nền tảng của nỗ lực giảm căng thẳng giữa khối Hiệp ước Warsaw và NATO. Được ký năm 1990, hiệp ước đặt ra các giới hạn trong triển khai các lực lượng thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập nhiều cơ chế minh bạch như kiểm tra xác minh tại chỗ.

Theo ông Kosachev, một số quốc gia gia nhập NATO sau năm 1990 chưa từng tồn tại trong năm 1990 (Slovenia, Latvia, Lithuania và Estonia), trong khi các thành viên mới khác của NATO là đồng minh cũ của Nga (Hungary, Bulgaria, Romania, Cộng hòa Czech và Slovakia).

30 quốc gia đã kí bản cập nhật của hiệp ước tại Hội nghị Thượng đỉnh OSCE ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999 nhưng chỉ có 4 quốc gia trong số đó phê chuẩn văn kiện (Nga, Belarus, Kazakhstan và Ukraina).

Ông Kosachev lưu ý, Nga đình chỉ việc tham gia hiệp ước CFE năm 2007 "cho đến khi các nước NATO phê chuẩn thỏa thuận tương ứng và bắt đầu trung thành tuân thủ hiệp ước". Dù tình hình đã "xấu đi đáng kể" kể từ đó, phiên bản điều chỉnh vẫn phù hợp và có thể được thảo luận thêm.

Tuy nhiên, quá trình này hiện cần bao gồm các loại vũ khí mới như máy bay không người lái và các hệ thống khác được tạo ra sau năm 1990, chính trị gia Nga nhấn mạnh.

Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu giới hạn 5 loại vũ khí và thiết bị thông thường: Xe tăng, phương tiện chiến đấu bọc thép, pháo cỡ nòng 100 mm trở lên, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, đồng thời cung cấp khả năng trao đổi thông tin và các hoạt động kiểm tra rộng rãi.

Từ lâu, Nga cảnh báo, việc mở rộng NATO, bao gồm kết nạp thêm các thành viên cũ của khối Hiệp ước Warsaw, là hành động phá hoại Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu.

Tháng 2 năm nay, Nga đình chỉ tham gia New START - thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương cuối cùng với Mỹ.

Trước đây, Mỹ đã rút khỏi một số hiệp ước khác với Nga có nội dung về đảm bảo ổn định chiến lược. Năm 2002, Tổng thống George W Bush rút Mỹ khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan