A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tương lai của AI dưới thời Tổng thống Donald Trump

Là cường quốc về AI, nước Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ triển khai những chính sách AI mới, tác động mạnh mẽ với thế giới.

Điều chỉnh quy định AI

Ngay sau khi quay lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện một động thái mang tính biểu tượng liên quan đến tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI). Ông đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát do cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt, vốn được thiết kế để đảm bảo sự an toàn cho công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng này.

Đây là một trong những quyết định đầu tiên của ông Donald Trump cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận của ông đối với công nghệ so với người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, các bước đi tiếp theo của ông Donald Trump và cách tiếp cận của ông sẽ khác biệt như thế nào so với những hành động của cựu Tổng thống Biden vẫn còn là câu hỏi chưa được giải đáp.

Tổng thống Donald Trump ký các sắc lệnh hành pháp tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, thứ hai ngày 20/1/2025. Ảnh: Fedscoop.
Tổng thống Donald Trump ký các sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng. Ảnh: Fedscoop

Chính quyền mới chưa phản hồi về các yêu cầu bình luận liên quan đến quyết định này, và ngay cả những người ủng hộ trong ngành công nghệ cũng không hoàn toàn chắc chắn.

Ông Alexandr Wang - CEO của công ty AI Scale nhận xét rằng sắc lệnh năm 2023 của Tổng thống Biden về trí tuệ nhân tạo (AI) có nội dung "quá dài dòng". Tuy nhiên, ông không chỉ rõ phần nào trong đó gây ảnh hưởng tiêu cực. Ông cho biết: "Khó để đánh giá từng phần của sắc lệnh, nhưng chắc chắn có những điểm mà chúng tôi hoàn toàn đồng ý".

Ông Wang, người từng tham dự lễ nhậm chức của ông Trump bày tỏ hy vọng rằng các chính sách mới sẽ tốt hơn và kỳ vọng vào sự hợp tác sâu rộng giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và ngành công nghệ.

Ông cùng nhiều lãnh đạo công nghệ khác, từng làm việc với chính quyền ông Biden hiện ủng hộ ông Trump và mong muốn hướng các chính sách của ông tới việc giảm bớt hạn chế đối với ngành.

Một số nhà lãnh đạo công nghệ cũng cho rằng các quy định mới cần tập trung vào việc khuyến khích đổi mới hơn là áp đặt các hạn chế cứng nhắc. Họ lo ngại rằng việc thiếu sự đồng bộ trong các chính sách AI giữa các chính quyền có thể gây ra sự không chắc chắn cho ngành công nghiệp.

Một trong những quy định quan trọng trong sắc lệnh của ông Joe Biden bị ông Trump hủy bỏ là yêu cầu các công ty phát triển những mô hình AI mạnh nhất phải chia sẻ thông tin chi tiết với chính phủ trước khi công bố chúng. Theo các chuyên gia, quy định này được thiết kế để đảm bảo rằng các công nghệ tiên tiến không gây nguy hiểm cho xã hội.

Năm 2023, khi ChatGPT vẫn là một điều mới mẻ và tỷ phú Elon Musk chưa trở thành cố vấn thân cận của ông Trump, chính quyền ông Biden đã bày tỏ lo ngại về các rủi ro liên quan đến AI.

Theo ông Wang, dưới thời ông Trump, đội ngũ của ông đã "đặt nền móng cho một chính quyền năng động với sự hợp tác sâu rộng giữa ngành công nghệ và chính phủ". Tuy nhiên, những lời hứa hẹn này vẫn cần được cụ thể hóa bằng các chính sách thực tiễn.

Theo Giám đốc điều hành của Trung tâm Công nghệ và Dân chủ Alexandra Reeve Givens, nhiều nội dung trong sắc lệnh của ông Biden đã hoàn tất, từ nghiên cứu tác động của AI đến các lĩnh vực như an ninh mạng, giáo dục, lao động và phúc lợi xã hội.

"Sắc lệnh đã tạo ra các báo cáo và khuyến nghị, và chúng hiện sẵn sàng để mọi bên khai thác", ông Givens nói.

Ngoài ra, nhiều công ty công nghệ lớn như Amazon, Google, Meta, Microsoft và OpenAI đã cam kết hợp tác với chính quyền ông Biden để đảm bảo AI phát triển an toàn.

Kế hoạch 500 tỷ USD

Ông Donald Trump thực hiện cam kết tranh cử của mình khi hủy bỏ sắc lệnh của ông Biden, với lý do sắc lệnh này có thể hạn chế sự đổi mới và không phù hợp với định hướng phát triển công nghệ của ông.

Một số người ủng hộ như tỷ phú Elon Musk, cũng bày tỏ ý kiến rằng các chatbot AI hiện tại đang phản ánh một số khuynh hướng nhất định trong cách chúng hoạt động.

Tuy nhiên, sắc lệnh của ông Biden không hạn chế quyền tự do ngôn luận. Thay vào đó, nó đưa ra các tiêu chuẩn như đánh dấu nội dung do AI tạo ra, nhằm giảm nguy cơ giả mạo và lạm dụng hình ảnh khiêu dâm.

Sắc lệnh cũng sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để buộc các công ty chia sẻ kết quả thử nghiệm an toàn nếu hệ thống AI của họ đạt ngưỡng nhất định.

Ông Marc Andreessen - một nhà đầu tư mạo hiểm có quan điểm đồng tình với ông Donald Trump. Người này cho rằng các quy định hiện tại còn quá chặt chẽ, trong bối cảnh các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, đang đẩy nhanh tiến độ phát triển AI. Ông nhấn mạnh rằng, để duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu, Mỹ cần một chính sách linh hoạt và phù hợp hơn..

Bà Alondra Nelson - Cựu quyền Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng cho rằng, việc từ bỏ những biện pháp bảo vệ của ông Biden có thể làm giảm niềm tin của công chúng đối với AI, yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ này.

"Người Mỹ nằm trong số những quốc gia phát triển có tỷ lệ không tin tưởng AI cao nhất", bà nói khi trích dẫn các khảo sát.

Ngoài ra, một số chính sách của ông Biden vẫn được giữ nguyên, chẳng hạn như việc duy trì Viện An toàn AI với trọng tâm là an ninh quốc gia. Đồng thời, ông Donald Trump vẫn chưa đề cập đến các quy định về việc cấm xuất khẩu chip AI, một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa chính quyền Biden và ngành công nghệ.

Ngày 22/1, ông Donald Trump công bố một liên doanh mới trị giá 500 tỷ USD để phát triển các trung tâm dữ liệu AI và hạ tầng năng lượng, do OpenAI, Oracle và SoftBank hợp tác.

Bên cạnh đó, quyết định hủy bỏ sắc lệnh của ông Biden về AI là một bước đi táo bạo, nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi. Trong khi các nhà lãnh đạo công nghệ hy vọng vào một chính sách linh hoạt hơn, các chuyên gia lo ngại rằng việc thiếu các biện pháp bảo vệ có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn. Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ cần phải chứng minh rằng họ có thể đưa ra các chính sách hiệu quả hơn, không chỉ để thúc đẩy đổi mới mà còn để đảm bảo an toàn và niềm tin của công chúng vào AI.

Trong bài diễn văn nhậm chức trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "kỷ nguyên vàng của Mỹ bắt đầu" và khẳng định đã được "Chúa cứu mạng để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", nhắc đến vụ ám sát hụt ở Pennsylvania tháng 7/2024.

 

Tác giả: Cao Nhung (theo AP News)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật