Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm thêm thuế, phí xăng dầu trước ngày 30/7
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trước 30/7/2022, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ các phương án giảm thêm thuế, phí với xăng dầu.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh...
Việc làm trên nhằm giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2022.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022).
Theo đó, trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.