A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội chợ Tịnh Biên - An Giang: Đưa hàng Việt vươn qua cửa ngõ biên giới

Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2025 quy tụ hơn 330 gian hàng, từ đó mở ra cơ hội đưa hàng Việt vươn xa qua cửa ngõ biên giới.

Đưa hàng Việt vươn xa qua cửa ngõ biên giới

Tối 19/5, tại Khu công nghiệp Xuân Tô, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2025.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức khẳng định: Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên - An Giang là “điểm nhấn” quan trọng, thúc đẩy quan hệ ngoại giao, hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa tỉnh An Giang - Việt Nam và tỉnh Takeo, Kandal (Vương Quốc Campuchia).

Qua đó, cùng hướng tới mục tiêu tăng cường hữu nghị, kết nối giao thương, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp, góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước ASEAN nói chung, các nước Tiểu vùng sông Mekong nói riêng.

Hội chợ Tịnh Biên - An Giang: Đưa hàng Việt vươn qua cửa ngõ biên giới
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức phát biểu tại lễ khai mạc - (Ảnh: Thanh Tiến).

Hội chợ còn là dịp để các địa phương giao lưu, hợp tác kinh tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Sự kiện cũng góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nước bạn Campuchia.

Dễn ra từ ngày 19/5 đến 25/5/2025, hội chợ có quy mô hơn 330 gian hàng của 15 tỉnh, thành phố trong nước, như: Cao Bằng, Hòa Bình, Đắk Nông, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, hội chợ còn có các gian hàng của doanh nghiệp đến từ tỉnh Kandal, Takeo (Vương quốc Campuchia) và các doanh nghiệp Thái Lan.

Theo đánh giá, Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2025 không chỉ là cơ hội giao thương, hội chợ năm nay còn nhấn mạnh thông điệp "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chịu tác động từ biến động thị trường quốc tế. Các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tặng quà đi kèm thu hút lượng lớn người tiêu dùng địa phương đến mua sắm, tạo không khí sôi động và lan tỏa.

Ban tổ chức cũng chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, bao bì phân hủy sinh học, và hạn chế sử dụng nhựa một lần. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông bên lề như hội thảo, diễn đàn về kinh tế biên mậu, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu địa phương cũng góp phần nâng cao chất lượng và chiều sâu cho hội chợ.

Cơ hội quảng bá sản phẩm địa phương và liên kết thương mại biên giới

Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên là điểm đến lý tưởng để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong khu vực, đặc biệt là những sản phẩm đến từ cao nguyên và vùng sông nước Nam Bộ.

Hội chợ Tịnh Biên - An Giang: Đưa hàng Việt vươn qua cửa ngõ biên giới
Các đại biểu trong và ngoài nước tham quan các gian hàng. (Ảnh: Thanh Tiến)

Riêng tỉnh An Giang đã bố trí gần rất nhiều gian hàng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề truyền thống, doanh nghiệp địa phương trưng bày sản phẩm OCOP như: đường thốt nốt, khô cá linh, mắm Châu Đốc, xoài cát Hòa Lộc, tinh dầu sả, trà mãng cầu, rượu dược liệu… Các gian hàng không chỉ chú trọng về chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư mạnh về thiết kế bao bì, truyền thông thương hiệu và trải nghiệm dùng thử miễn phí để tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Thức, chủ cơ sở sản xuất đường thốt nốt (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tham gia hội chợ là cơ hội lớn để chúng tôi đưa sản phẩm truyền thống ra khỏi vùng quê, tiếp cận thị trường rộng hơn, và được phản hồi trực tiếp từ người tiêu dùng. Năm nay chúng tôi còn ký được một biên bản ghi nhớ với đối tác từ TP.Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ phân phối qua hệ thống siêu thị mini trong thời gian tới”.

Là địa bàn giáp biên giới với Campuchia, Tịnh Biên từ lâu đã giữ vai trò quan trọng trong giao thương khu vực. Hội chợ thương mại quốc tế là dịp để các doanh nghiệp không chỉ quảng bá sản phẩm trong nước mà còn tìm kiếm cơ hội hợp tác xuyên biên giới.

Trong khuôn khổ hội chợ, nhiều hoạt động kết nối giao thương được tổ chức giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác đến từ các tỉnh Takeo, Kampot, Phnom Penh của Campuchia. Các phiên gặp gỡ được tổ chức chuyên đề theo từng nhóm ngành hàng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và định hướng chiến lược thị trường cụ thể.

Hội chợ Tịnh Biên - An Giang: Đưa hàng Việt vươn qua cửa ngõ biên giới
Hội chợ năm nay diễn ra từ ngày 19/5 đến 25/5/2025, với quy mô hơn 330 gian hàng của 15 tỉnh, thành phố.

Ông Chau Buntha, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông sản Campuchia, đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong tổ chức hội chợ: “Chúng tôi rất ấn tượng với sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam. Đặc biệt là các mặt hàng như gạo, nước mắm, bánh tráng, cà phê, đều rất tiềm năng cho thị trường Campuchia. Chúng tôi đang xúc tiến nhập hàng với một số doanh nghiệp từ An Giang và TP. Hồ Chí Minh”.

Ngoài ra, khu vực biên giới Tịnh Biên còn có nhiều lợi thế về logistic, kho vận và thủ tục thông quan được đơn giản hóa, thuận tiện cho các hoạt động trao đổi hàng hóa. Đây là nền tảng để các hội chợ thương mại mang yếu tố “quốc tế” phát triển ngày càng hiệu quả và thực chất.

Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2025 tiếp tục khẳng định vị thế là sự kiện xúc tiến thương mại tiêu biểu của khu vực Tây Nam Bộ, đặc biệt là vùng biên giới. Sự thành công của hội chợ không chỉ được đo bằng số lượng gian hàng hay lượt khách tham quan, mà còn nằm ở các kết nối hợp tác kinh doanh được hình thành, các hợp đồng thương mại được ký kết, và sự hài lòng của người tiêu dùng.

Trong tương lai, chính quyền tỉnh An Giang đặt mục tiêu mở rộng quy mô hội chợ theo hướng chuyên đề theo ngành hàng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện, đồng thời tăng cường mời gọi các doanh nghiệp quốc tế tham gia. Điều này sẽ giúp Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên ngày càng trở thành điểm hẹn quan trọng trong bản đồ xúc tiến thương mại Việt Nam - ASEAN, đồng thời góp phần phát triển kinh tế khu vực biên giới một cách toàn diện và bền vững.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật