Sắp diễn ra tọa đàm 'Bứt phá từ đổi mới sáng tạo: Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt'
Chiều 20/3, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo: Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt'.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo như một động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển thương hiệu Việt gắn với chiến lược quốc gia về thương hiệu đã được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ, nhằm đưa các sản phẩm, dịch vụ Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
![]() |
Chiều 20/3, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo: Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt” |
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, nhu cầu tiêu dùng thay đổi liên tục và công nghệ phát triển mạnh mẽ, chỉ những thương hiệu biết cách làm mới mình, đổi mới tư duy quản trị, sáng tạo trong mô hình kinh doanh và truyền thông mới có thể trụ vững và bứt phá.
Để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề này, hôm nay Báo Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo: Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt”. Tọa đàm sẽ là diễn đàn kết nối các góc nhìn từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp thực tiễn và giới chuyên gia truyền thông, nhằm lan tỏa thông điệp: Thương hiệu mạnh không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm, mà còn từ tư duy đổi mới và khả năng nắm bắt cơ hội, qua đó, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu Việt vững mạnh, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng và chinh phục người tiêu dùng toàn cầu.
Tham gia tọa đàm có các vị khách mời:
Ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng Phòng phát triển năng lực xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại
Ông Trần Chí Dũng - Trưởng Ban công nghệ - Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Đại diện Công ty Bioway Việt Nam
Thực tế đã chứng minh, đổi mới - sáng tạo không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu để thương hiệu Việt không chỉ đứng vững mà còn vươn xa trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt và liên tục thay đổi.
Thương hiệu Việt, để bền vững và có sức lan tỏa, không thể chỉ dựa vào sản phẩm tốt, mà còn cần tư duy quản trị hiện đại, hệ sinh thái đổi mới và bản sắc văn hóa được thể hiện rõ nét. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã xác định rõ mục tiêu phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là công cụ quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.