Thông tin nhóm máu có nên đưa vào căn cước công dân?
Đây là nội dung được nhiều đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Căn cước vào sáng 25/10.
Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Đưa thông tin nhóm máu vào căn cước công dân: Cần nghiên cứu lại
Phát biểu tại phiên làm việc, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc - đoàn Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 Dự thảo Luật. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này vào Điểm d Khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc góp ý tại phiên thảo luận sáng nay 25/10 về Dự án Luật Căn cước (Ảnh: VPQH) |
Theo đại biểu Mạc, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt như đối với ADN và giọng nói của người dân và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Về thông tin của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm cả nhóm máu, đại biểu Phạm Thị Kiều- đoàn Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.
Sáng 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Căn cước (Ảnh:VPQH) |
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - đoàn Hưng Yên cũng góp ý về tích hợp thông tin vào căn cước. Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định về tích hợp thông tin mang tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân, giúp giảm giấy tờ, thực hiện cải cách hành chính, nhưng hiện nay công dân vẫn phải sử dụng hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân.
Điều này có thể dẫn tới tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc. Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tích hợp, kết nối kịp thời và khẳng định tính pháp lý thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử.
Nên cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch
Tán thành với quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - đoàn Hà Nội phân tích, việc cần cấp giấy tờ tùy thân, xác định căn cước cho những đối tượng trên là để phục vụ quản lý xã hội đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhằm có cơ chế quản lý có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này. Qua đó, tạo điều kiện để họ có thể tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu, bảo đảm cuộc sống.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp (Ảnh: VPQH) |
Cùng quan tâm về quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa- đoàn Đồng Tháp bày tỏ tán thành với quy định này là cần thiết để bảo đảm công tác quản lý. Tuy nhiên, Đại biểu Hòa bảo lưu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước và thẻ căn cước do Giám đốc Công an tỉnh cấp như quy định trước đây. Đại biểu cho rằng nếu để cho Bộ Công an thực hiện cấp thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ hơn quy định này.
Cũng tại phiên họp, một số đại biểu phản ánh, tài liệu Dự án Luật lần này gửi đến đại biểu Quốc hội còn muộn, trong khi đây là Dự án Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 80 triệu người dân và có nhiều nội dung có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, với việc gửi tài liệu muộn sẽ gây khó khăn cho các đại biểu trong việc nghiên cứu để tham gia góp ý hoàn thiện Dự án Luật... |