Người dân miền núi thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất
Tình trạng sạt lở núi là nỗi lo thường trực của cấp ủy, chính quyền và người dân tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam mỗi khi đến mùa mưa bão đến. Quảng Nam hiện có khoảng 10.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần được bố trí tái định cư.
Quảng Nam có gần 10.000 hộ chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, cần được bố trí tái định cư để phòng tránh rủi ro thiên tai (Ảnh Đ.Minh) |
Trên địa bàn huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 300 hộ dân ở các xã Arooi, Za Hung, Cà Dăng và thị trấn Prao nằm trong nguy cơ sạt lở núi cần được di dời.
Thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất
Gia đình ông A Ting Mlô (65 tuổi) trú tại tổ dân phố Gừng, thị trấn Prao, huyện miền núi Đông Giang, đã sống dưới chân núi mấy chục năm nay. Cứ đến mùa mưa lũ, cả gia đình ông lại nơm nớp lo sợ tình trạng sạt lở núi.
Ông ATing Mlô cho biết, khi có mưa lớn, cả gia đình phải chuyển đến ở tạm nhà người thân hoặc lên nhà văn hóa, nhà cộng đồng để trú tránh.
"Trước đây cũng có sạt lở bên phía trên đồi, chỉ lo lúc gia đình ngủ mà đất, đá sạt lở thì chạy không kịp. Mong muốn của người dân là chính quyền quan tâm làm bờ kè để cho bà con yên tâm sinh sống”, ông ATing Mlô bày tỏ lo lắng.
Ông A Ting Mlô đứng trên đỉnh đồi chỉ xuống nhà mình ở dưới, mỗi lần mưa lớn, đất đá sạt lở thì chạy không kịp (Ảnh Đ.Minh) |
Để thấy rõ hơn nguy cơ sạt lở núi, ông ATing Mlô dẫn phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đi dọc theo các rẫy trồng cây của người dân xung quanh. Theo quan sát, một số vết nứt dài khoảng 1-2m, sâu 0,3m bị cây dại mọc che khuất, rất khó nhìn thấy.
Thực tế tại các khu vực miền núi do thiếu quỹ đất nên người dân phải xẻ núi, bạt đồi để có mặt bằng xây dựng nhà cửa. Qua thời gian, các chân núi dần có hiện tượng tụ thủy, đồng thời việc bạt đồi để tạo mặt bằng làm nhà đã làm mất thế giữ chân đồi nên lượng đất đá từ trên núi cứ tràn xuống. Mỗi khi xuất hiện mưa lớn, nước tích tụ phá vỡ liên kết của đất hình thành cung trượt tại bề mặt tiếp giáp giữa đất với đá. Do đó, nguy cơ sạt lở đang uy hiếp đời sống của người dân nơi đây.
Sống trong ngôi nhà tạm bợ, người dân ngày đêm bất an vì lo sợ sạt lở núi (Ảnh Đ.Minh) |
Cùng chung nỗi lo lắng, bất an về nguy cơ sạt lở, chị Ploong Thị Mai chia sẻ: “Năm ngoái sạt lở sau nhà, bà con phải “bỏ của chạy lấy người”. Thời gian gần đây, cứ mưa lớn, người già và trẻ nhỏ lại vội vã ôm quần áo, chăn mền đến những khu vực an toàn trú ẩn. Tâm trạng chung của người dân nơi đây là lo lắng, bất an. Các vết nứt trên núi thấy rõ, chúng tôi luôn chuẩn bị tinh thần sơ tán khi có tiếng động lớn".
Nỗ lực sắp xếp dân cư ổn định lâu dài
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, tại tỉnh Quảng Nam còn nhiều khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don...
Tại huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm nguy cơ cao, tập trung tại thị trấn Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác.
Huyện Phước Sơn có khoảng 13 điểm nguy cơ cao, tập trung tại thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Xuân. Huyện Đông Giang và huyện Tây Giang cũng có một số điểm nguy cơ cao.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết, huyện nằm trên dãy Trường Sơn, có địa hình khá phức tạp và hiểm trở; nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn, hiện tượng lũ quét thường xảy ra mỗi khi có mưa lớn.
Khi nhu cầu bố trí tái định cư tại địa phương tăng cao, chính quyền huyện Đông Giang nỗ lực tìm các biện pháp nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh Đ.Minh) |
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ di dời dân chủ động đến khu vực an toàn trước khi xảy ra mưa lũ; vận động bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm đủ ăn từ 7 - 10 ngày.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam Phạm Viết Tích cho rằng, để ổn định cuộc sống lâu dài gắn với ổn định sinh kế bền vững cho đồng bào ở những khu tái định cư vùng sạt lở núi và lũ quét cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư; hỗ trợ kinh phí làm nhà; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; cải thiện sinh kế cho đồng bào. Từ đó, bà con dựa vào rừng để phát triển kinh tế, đồng thời giúp đồng bào nhận thức đầy đủ về môi trường rừng, biết bảo vệ rừng để bảo vệ sinh kế bền vững.
Một khu vực sụt lún nguy hiểm tại xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam được chính quyền đặt biển cảnh báo (ảnh Đ.Minh) |
Theo báo cáo tại phiên họp lần thứ 3 của Ban chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng phía Tây Quảng Nam vừa qua. Từ năm 2021 - 2023, Quảng Nam đã bố trí 210 tỷ đồng triển khai nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu. Từ dự án này, 1.648 hộ dân được di dời đến nơi ở mới, chủ yếu là các huyện: Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My...
Chính các nguồn lực đầu tư của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm an cư cho đồng bào miền núi trước thảm họa thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở đất, đá, lũ quét thường xuyên xảy ra trên địa bàn các huyện miền núi.
Được biết, miền núi Quảng Nam bao gồm 9 huyện, có địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Khu vực này có gần 10.000 hộ chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số cần được bố trí tái định cư để phòng tránh rủi ro thiên tai. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư, đảm bảo sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. |