A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác tai nạn ong đốt ở trẻ em

Ong đốt là tai nạn thường gặp, nhất là trong dịp nghỉ hè của học sinh, do đây là mùa có nhiều loại hoa quả có mùi thơm, vị ngọt như dứa, vải, nhãn... thu hút loài ong.

Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, bị ong đốt là một trong những tai nạn thường gặp. Vì thế, nhiều người thường chủ quan với tai nạn này. Tuy nhiên, thực tế nọc độc của ong rất nguy hiểm. Ở mức độ nặng, nếu không được sơ cứu đúng cách, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng.

Cảnh giác tai nạn ong đốt ở trẻ em
Ong đốt là tai nạn thường gặp mùa hè và rất nguy hiểm

Do đó, đây là tai nạn cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt. Nhiều trường hợp không được xử trí đúng cách dẫn tới tình trạng nhiễm độc nặng và mất rất nhiều thời gian điều trị. Nọc độc của loài ong khi tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ dẫn tới nguy cơ suy đa tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân.

Những trường hợp bị đốt nhiều, khoảng 5 đến 10 nốt trở lên, cơ thể sẽ bị mệt mỏi, rất khó chịu và bị sưng đau. Các nạn nhân bị đốt ở đầu, cổ, vai, mặt thì nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, những trường hợp bị đốt 1, 2 nốt cũng không nên chủ quan vì nếu đó là loại ong độc thì tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng rất đáng lo ngại. Nọc độc của một số loài ong có thể gây ra tình trạng tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ… Một số trường hợp nặng sẽ bị suy tim hay suy thận.

Đặc biệt trong mùa hè, nhiều bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp trẻ em nhập viện do ong đốt. Nghỉ hè có nhiều thời gian vui chơi, nguy cơ khi trẻ leo trèo hái quả, đùa nghịch bị ong đốt rất cao. Khi bị ong đốt nhiều nốt trẻ có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Mới đây, trường hợp bệnh nhi N.T. T (13 tuổi, Vĩnh Trung, Mạo Khê, Quảng Ninh) nhập viện Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí do trèo cây vải thì bị ong vò vẽ đốt.

Trẻ vào cấp cứu trong tình trạng trên người có khoảng 10 nốt đốt, tập trung vùng đầu mặt, lưng và tay, xung quanh nề đỏ, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn đông máu. Trẻ được cấp cứu và xử trí kịp thời tại cấp cứu Nhi.

Sau 5 ngày điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, trẻ tiến triển tốt và được ra viện.


Tác giả: Phương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan