Ngày Quốc tế trẻ em gái -11/10: Hiện thực ước mơ giản dị của trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - nguyên Trưởng Ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã từng chia sẻ, trong quá trình thực hiện các dự án về trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà tiếp xúc với nhiều bé gái và nhận thấy mong ước của các em rất đơn giản là được đi học, vui chơi, được sống trong sự yêu thương của gia đình và cộng đồng, được ăn no, mặc ấm…
Trang bị kiến thức để trẻ em gái vượt qua định kiến giới, tảo hôn
Luật Trẻ em hiện hành có quy định 4 nhóm quyền của trẻ em bao gồm quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Bốn nhóm quyền này đã và đang được có rất nhiều cải thiện đáng mừng trong việc thực hiện đối với trẻ em nói chung và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Theo Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, những năm qua, trẻ em đồng bào DTTS, trong đó có trẻ em gái đã có cơ hội thực hiện quyền được tham gia, bày tỏ ý kiến thông qua nhiều mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của chính các em như: Diễn đàn trẻ em, Hội đồng trẻ em, thăm dò ý kiến của trẻ em, Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em, chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng thực hiện… Ý kiến của các em cũng được các cấp lãnh đạo tiếp nhận, triển khai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tháng 3/2024, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) đã ra mắt 6 câu lạc bộ (CLB) “Nữ sinh mở đường đến tương lai” dành cho nữ sinh DTTS tại 6 trường THPT trên địa bàn tỉnh với mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, giúp các em tự tin đến trường. Trước đó, từ năm 2019, CLB “Nữ sinh mở đường đến tương lai” đã được triển khai tại 22 trường thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Nam và Trà Vinh.
Theo ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VinaCapital Foundation, “với hơn 17 năm kiên trì thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế tại Việt Nam, chúng tôi hiểu rõ rằng, khi nạn tảo hôn và các định kiến giới còn tồn tại ở các thôn làng DTTS, nữ giới sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi trên nhiều phương diện và không có cơ hội phát triển bản thân để vươn lên làm chủ cuộc sống”. Do đó, trong 7 chương trình mà VCF thực hiện trên phạm vi cả nước, CLB “Nữ sinh mở đường đến tương lai” là chương trình đặc biệt quan trọng, có tác động thiết thực góp phần xóa bỏ các định kiến về giới và xóa nạn tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất cho các trường học nông thôn. Những kiến thức về sức khỏe sinh sản, quản lý tài chính, kỹ năng sống và các quyền hợp pháp sẽ là hành trang cho các em nữ sinh trên hành trình thay đổi cuộc sống của chính mình và cộng đồng nơi mình đang sống.
Giúp bé gái thực hiện ước mơ
Trong thời gian qua, tỷ lệ kết hôn sớm của trẻ em DTTS có giảm nhưng vẫn ở mức độ cao. Báo cáo của Ủy ban Dân tộc miền núi và các nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế cho thấy, tỷ lệ kết hôn sớm của trẻ em đồng bào DTTS là 21,9%, trong đó, bé gái kết hôn sớm là 23,5% và bé trai là 20,1%. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là do bất bình đẳng giới, đói nghèo và các hủ tục lạc hậu được truyền từ đời này sang đời khác vẫn còn tồn tại khá dai dẳng ở vùng DTTS.
Thời gian gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng khi nhận thức của các bậc cha mẹ ở vùng đồng bào DTTS đang dần thay đổi. “Tôi không thể nào quên hình ảnh ông bố người Mông ở một thôn rất xa xôi của tỉnh Hà Giang ngày ngày đi xe máy, vượt quãng đường xa, hiểm trở lên tận đỉnh Mã Pì Lèng để đưa con đi học. Khi được hỏi tại sao có thể làm được như vậy, anh trả lời: Cuộc sống gia đình khó khăn lắm nhưng con gái rất thích được đi học. Nếu không cho đi thì con khóc nên anh đã cố gắng vượt khó khăn để hàng ngày đưa con đi học. Câu chuyện nhỏ này cho thấy, quyền, ý kiến của các con trong gia đình về vấn đề học tập đã được cha mẹ, người lớn quan tâm hơn”, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai.
Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm khi tại vùng DTTS, cơ hội học cao lên của các bé gái vẫn chưa được cao như bé trai, nhiều em gái chỉ được học đến cấp hai rồi nghỉ để kết hôn sớm theo yêu cầu của gia đình hoặc phụ giúp công việc nhà, nương rẫy… Hội LHPN Việt Nam đã từng nhận được đơn thư của các bé gái tại Hà Giang thể hiện mong muốn Trung ương Hội hỗ trợ để các em được tiếp tục đi học khi bố mẹ yêu cầu nghỉ học, lấy chồng sớm…
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Với mục tiêu tổng quát là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS.
Là đơn vị được giao chủ trì Dự án 8, các cấp Hội LHPN Việt Nam trên toàn quốc đã đẩy mạnh thực hiện các mô hình, hoạt động như: tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng…
Từ năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 11/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế... thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái. Chủ đề Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2024 là “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái”, tin rằng với “Mục tiêu của Dự án 8 là phụ nữ và trẻ em vùng DTTS phải có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn”, như nhấn mạnh của Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - bà Hà Thị Nga, tới đây, trẻ em gái nói chung và trẻ em gái vùng DTTS nói riêng sẽ có một thế giới thực sự an toàn và bình đẳng.