A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng

Vừa qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức buổi trò chuyện trực tuyến: Sự tham gia của trẻ em Việt Nam để chia sẻ và công bố Báo cáo Khảo sát sự tham gia của trẻ em Việt Nam năm 2024. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật” (AVAC) của MSD do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) hỗ trợ.

Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” lần đầu tiên được Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) thực hiện năm 2020, với những phản hồi tích cực từ các bên liên quan đặc biệt trong nỗ lực hướng đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em Việt Nam.

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Các diễn giả và đại diện trẻ em tham dự tọa đàm trực tuyến: Sự tham gia của trẻ em Việt Nam

Tiếp nối những nỗ lực này, kết hợp với các nhu cầu và bối cảnh hiện tại của việc thực hiện Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016 tại Việt Nam, MSD và SC tiếp tục triển khai thực hiện báo cáo khảo sát “Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam”.

Khảo sát được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam gồm: Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp từ tháng 12/2023 - 5/2024 với sự tham gia chia sẻ ý kiến từ 831 trẻ em, trong đó 50 có trẻ em khuyết tật và trẻ em LGBTQI+, cùng phụ huynh, người chăm sóc và các bên liên quan.

Ngày 7/10, tọa đàm trực tuyến: Sự tham gia của trẻ em Việt Nam được tổ chức nhằm cung cấp những thông tin cập nhật về kết quả của nghiên cứu, tổng quan về sự tham gia của trẻ em và việc thực thi quyền tham gia của trẻ em tại các môi trường như gia đình, nhà trường, cộng đồng và cả trên môi trường mạng.

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Các khách mời tham dự buổi trò chuyện trực tuyến

Theo báo cáo, sự tham gia của trẻ em ở gia đình có những lát cắt tích cực thể hiện qua tỷ lệ trẻ em thường xuyên và rất thường xuyên được lắng nghe, tôn trọng ý kiến từ cha mẹ (chiếm 56.7%). Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy trẻ em nam có xu hướng được lắng nghe nhiều hơn.

Trường học là nơi trẻ em tiếp cận thông tin và hoạt động xã hội nhưng chưa có nhiều cơ hội để các em được tự tin bày tỏ ý kiến. Cụ thể, 63% học sinh chưa bao giờ trao đổi với lãnh đạo trường, cảm thấy các vấn đề về tình bạn và tình yêu vẫn là chủ đề nhạy cảm, khó sẻ chia.

Tại cộng đồng, mức độ tham gia của trẻ em còn khá thấp. Trên thang điểm từ 1 - 5 chưa có hoạt động nào đạt điểm trung bình từ 3 trở lên, cho thấy sự tự chủ và tham gia của trẻ em tại cộng đồng còn hạn chế hơn so với gia đình và trường học.

Sự kiện có sự góp mặt của đại diện của Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến trẻ em; đại diện nhà trường, phụ huynh và đặc biệt là trẻ em.

Các khách mời có sự quan tâm sâu sắc đến quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ em, từ đó mang tới nhiều bình luận thú vị dựa trên đa dạng góc nhìn và kinh nghiệm thực tiễn trong việc khuyến khích trẻ tham gia ở từng môi trường.

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Bà Phạm Thị Thủy - Trưởng phòng Phát triển tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Mở đầu buổi trò chuyện, bà Phạm Thị Thủy - Trưởng phòng Phát triển tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có những chia sẻ về việc thực thi quyền trẻ em.

Bà Thủy cho biết: “Thời gian vừa qua, quyền trẻ em đã được các cơ quan, bộ, ngành rất quan tâm. Đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức truyền thông về quyền trẻ em, xây dựng các tờ rơi, tờ gấp về quyền và bổn phận của trẻ em; đồng thời tổ chức hội thảo, tọa đàm về quyền trẻ em.

Tuy nhiên, con số 20,1% trẻ em chưa từng nghe và biết đến quyền trẻ em cũng cho thấy cần tăng cường công tác truyền thông hơn nữa, tập huấn cho trẻ em, nhất là học sinh trong nhà trường”.

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Thầy Nguyễn Đức Huy - Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú Đông, Ba Vì, Hà Nội

Về sự tham gia của học sinh nhà trường, thầy Nguyễn Đức Huy - Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú Đông (huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “63% các em chưa bao giờ trao đổi, đối thoại với lãnh đạo nhà trường. Đây là số liệu thống kê cho thấy việc trao đổi với ban lãnh đạo nhà trường luôn là một điều mà học sinh rất ngại.

Gần đây, các nhà trường đã tích cực tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của trẻ em đối với những công việc của chính mình.

Tại trường THCS Phú Đông, phòng của thầy cô hiệu trưởng, hiệu phó luôn rộng mở để có thể giải đáp tất cả thắc mắc của học sinh trong quá trình tham gia học tập ở trường”.

Đại diện trường THCS Phú Đông cũng cho biết sau khi theo dõi những số liệu trong báo cáo, cán bộ giáo viên cũng có rất nhiều băn khoăn trong việc tham gia của trẻ cùng nhà trường.

Trong thời đại công nghệ phát triển, tỷ lệ các em tham gia mạng xã hội rất cao. Có trường hợp đăng tải, thậm chí phát sóng những hình ảnh nhạy cảm, xúc phạm bạn bè đồng trang lứa. Do đó, thầy cô cũng thường xuyên dành thời gian trong các tiết học để trò chuyện, hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng, đồng thời nhắc nhở, động viên các em...

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Nhung - Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn, Phó Trưởng ban Thiếu nhi Thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh

Tham dự online từ đầu cầu TP Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Nhung - Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn, Phó Trưởng ban Thiếu nhi Thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh đã bình luận về nhận định: "Có thông tin cho rằng còn nhiều hạn chế trong việc trẻ em tham gia tại cộng đồng".

Theo chị, tất cả trẻ em đều có quyền thực hiện các nhóm quyền như nhau. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị luôn tạo mọi điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động cộng đồng: Tham gia hội đồng trẻ em, CLB quyền trẻ em...

Thành đoàn đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hoạt động lắng nghe tiếng nói trẻ em qua tọa đàm, buổi trò chuyện. Tất cả ý kiến trực tiếp hay trực tuyến đều được ghi nhận và có giải đáp cụ thể.

Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng thông qua buổi trò chuyện trực tuyến này, các em ngày càng có nhiều cơ hội được tham gia và tham gia một cách tốt nhất trong những hoạt động cộng đồng.

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Anh Lê Xuân Đức - nhà sáng tạo nội dung, chủ kênh Bố Sâu

Đại diện phụ huynh, anh Lê Xuân Đức (nhà sáng tạo nội dung - chủ kênh Bố Sâu) cũng đưa ra những góc nhìn thú vị và thực tiễn về cách khuyến khích sự tham gia của con trẻ.

Với tư cách là người cha, anh cho rằng người lớn cần chủ động tham gia vào thế giới của trẻ em trước, từ đó trẻ em sẽ dễ dàng hơn khi tham gia vào các hoạt động khác. Tại gia đình, vợ chồng anh đã để con được tự quyết định và tự giác làm các công việc của chính mình, thay vì có sự đốc thúc và hỗ trợ quá nhiều từ cha mẹ.

Đặc biệt, buổi trò chuyện còn có sự tham gia của 2 học sinh trường THCS Phú Đông (huyện Ba Vì, Hà Nội) là em Phùng Trương An Nhàn và Chu Quang Tùng.

Em An Nhàn bày tỏ: “Em cảm thấy may mắn khi ý kiến được cha mẹ quan tâm. Trong thực tế, em nhận thấy vì cuộc sống tất bật, cha mẹ vẫn còn phớt lờ, bỏ qua những ý kiến của chúng em”.

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Em Phùng Trương An Nhàn
Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Em Chu Quang Tùng

Đại diện MSD Vietnam, bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng vô cùng xúc động khi được lắng nghe tất cả những bình luận, đóng góp của khách mời và người xem trực tuyến. Thông qua đó, các số liệu khảo sát một lần nữa cho thấy sự phù hợp và giá trị thực tiễn.

Bà Vân Anh cũng chia sẻ, sự tham gia của trẻ em đầu tiên là tiếp cận thông tin, từ đó có cơ hội đưa ra ý kiến, nguyện vọng và các ý kiến đó cần được tôn trọng, phản hồi. Các em còn được quyền tham gia, ra quyết định về những nội dung về trẻ em.

Tạo môi trường khuyến khích trẻ em tham gia và lên tiếng
Bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện MSD

Buổi trò chuyện đã thu hút sự tham gia của nhiều người xem trực tuyến, tạo không gian chia sẻ cởi mở về quyền trẻ em, tầm quan trọng của sự tham gia của trẻ em trong các quyết định liên quan đến cuộc sống của chính mình.

MSD Vietnam hy vọng sự kiện này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của trẻ em trong xã hội; đồng thời tiếp nhận chia sẻ từ nhiều bên liên quan, từ đó thúc đẩy một môi trường mà trẻ em được khuyến khích tham gia và đóng góp.

Link bài gốc Copy link
 

Tác giả: Đặng Thị Anh Thư
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật