Từ 12/4, nhiều tỉnh cho học sinh mầm non tới trường
Ngày mai - 12/4, Ninh Bình, Nam Định, Lào Cai, TP Pleiku (Gia Lai), Cà Mau cho học sinh mầm non trở lại trường.
Tại Nam Định, Sở GD&ĐT vừa có thông báo về việc tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Theo đó, trẻ mầm non trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định sẽ đi học trực tiếp trở lại từ ngày 12/4. Các nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án để đón trẻ trở lại học tập trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non có tổ chức ăn bán trú cho học sinh, thực hiện từ ngày 12/4 nghiêm túc triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Nhằm bảo đảm tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục tại các nhà trường, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã yêu cầu các trường triển khai một số nội dung liên quan.
Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và địa phương (theo thông báo của ngành Y tế), các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện đón trẻ mầm non đi học trở lại từ ngày 12/4.
Cũng từ 12/4, trẻ mầm non 5 tuổi vùng cấp độ dịch (vùng cam) tại Lào Cai trở lại trường học. Đối với các cơ sở giáo dục thuộc xã/phường/thị trấn có dịch cấp độ 1, 2 tổ chức dạy, học và các hoạt động giáo dục bình thường theo kế hoạch. Riêng với các cơ sở giáo dục thuộc xã/phường/thị trấn có dịch cấp độ 3 tổ chức dạy, học và các hoạt động giáo dục bình thường theo kế hoạch cho trẻ em 5 tuổi kể từ ngày 12/4.
Sau khoảng thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch COVID-19, học sinh bậc mầm non, tiểu học tại TP Pleiku (Gia Lai) sẽ đến trường học trực tiếp từ ngày 12/4.
Hiện số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo chiều hướng giảm; tình hình phòng chống dịch bệnh trong trường học được thực hiện tốt. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thống nhất cho trẻ mầm non; học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 12/4.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện nghiêm các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn trường học.
Đặc biệt, chú trọng công tác tổ chức bữa ăn bán trú nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức việc dạy học trực tiếp theo hướng dẫn của ngành giáo dục, giúp phụ huynh yên tâm khi cho trẻ mầm non và học sinh đi học trực tiếp.
Sau đó 1 ngày, 13/4, trẻ mầm non tại Hà Nội đến trường sau khoảng thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19. UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non và học viên các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đi học trở lại trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục.
Để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho trẻ mầm non khi tới trường, TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho rằng, có 4 giải pháp nên áp dụng.
Thứ nhất, cần chuẩn bị kỹ các điều kiện an toàn tại trường học trước khi đón trẻ. Trường học nên được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, nhất là đồ dùng của trẻ phải khử khuẩn kỹ lưỡng.
Thứ hai, có biện pháp kiểm soát "đầu vào", tức thông tin trước với phụ huynh, những bé có triệu chứng ho, sốt,… phải chủ động cho nghỉ ở nhà.
Thứ ba, trong quá trình học tập tại trường cũng nên có sự kiểm tra, kiểm soát. Ví dụ, đo nhiệt độ cho các con 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19 thì cho bé nghỉ học, không để tiếp xúc với trẻ khác.
Thứ tư, khuyến cáo phụ huynh ngay khi ở nhà cần có giải pháp bảo vệ an toàn cho con, chủ động phát hiện các triệu chứng ho, sốt, nếu có cần cho bé nghỉ ở nhà và thông báo với nhà trường.
TS Thường nhấn mạnh, ở góc độ bác sĩ nhi khoa, việc cho trẻ mầm non đi học trở lại là hết sức cần thiết. Trẻ ở nhà quá lâu có thể tăng tỷ lệ trầm cảm, stress và đi học chính là hình thức giúp bé "xả stress".