Vấn đề pháp lý vụ bé trai bị bạn của ông nội đánh liên tiếp vùng đầu
Liên quan tới vụ một người đánh liên tiếp vào vùng đầu bé trai bị bạch tạng ở Hà Nội, dưới góc độ pháp lý, chuyên gia luật cho rằng, dù nạn nhân thương tích 1%, người này cũng có thể bị khởi tố.
Việc người đàn ông đánh liên tục vào đầu và mặt bé trai, dưới góc độ pháp lý, luật sư cho biết ông ta có thể bị xử lý hình sự. Ảnh: Chụp từ clip.
Ngày 21/3, chia sẻ về vụ việc cháu bé bị bạch tạng ở huyện Quốc Oai, Hà Nội bị bạn của ông nội đánh liên tiếp vào đầu, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi; hành vi bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Tại Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có việc sử dụng bạo lực với trẻ em, Đảng và Nhà nước luôn có các chính sách quan tâm đặc biệt tới nhóm đối tượng trẻ em. Đối với trẻ em bị bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo còn là đối tượng yếu thế được quan tâm đặc biệt.
Ngoài ra các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em còn được quy định chi tiết trong các Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, những đối tượng bạo lực và xâm hại trẻ em (người dưới 16 tuổi) luôn phải chịu tình tiết tăng nặng trong chế tài xử phạt.
Vì vậy, hành vi của người đàn ông tấn công liên tiếp cháu bé mặc dù biết cháu bé là người kém may mắn - bị bệnh bạch tạng bẩm sinh, ở một người bình thường cần phải hiểu mâu thuẫn của con trẻ khi chơi đùa là chuyện thường tình hàng ngày.
Người lớn chỉ cần góp ý nhỏ nhẹ, nhưng trái lại người đàn ông này lại hành xử với một đứa trẻ kém may mắn như một kẻ côn đồ. Hành vi này cần phải lên án mạnh mẽ và cơ quan chứ năng cần nhanh chóng vào cuộc xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Luật sư Hà Thị Khuyên chia sẻ vụ việc bé trai bị bạn của ông nội đánh liên tiếp vào vùng đầu, dưới góc nhìn chuyên gia pháp lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong vụ việc này, gia đình cháu bé cần thận trọng theo dõi diễn biến sức khỏe thể chất và tâm thần của cháu bé. Các vị trí tấn công ở vùng đầu là những điểm dễ bị tổn thương, cần có thời gian theo dõi, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu về sức khỏe thể chất và tâm thần.
Nếu cháu bé có những dấu hiệu lo sợ, hoảng loạn cần có sự can thiệp để trấn an. Nếu cần thiết cơ quan công an cũng có thể trưng cầu giám định thương tích với cháu bé để có căn cứ xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
"Theo diễn biến vụ việc cho thấy, hành vi của người đàn ông hành hung cháu bé rất rõ của hành vi cố ý gây thương tích", luật sư Khuyên cho biết.
Theo luật sư, nếu thương tích từ 1% trở lên và có yêu cầu của phía gia đình cháu bé (bị hại), cơ quan công an hoàn toàn có căn cứ để xử lí người đàn ông về hành vi "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, với tình tiết phạm tội với người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp hành vi của người đàn ông chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Luật sư Khuyên nhìn nhận, thời gian qua liên tục xảy ra hành vi bạo hành trẻ em. Đây là thực trạng rất đáng báo động, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát, phổ biến pháp luật để phòng ngừa các vụ việc tương tự xảy ra.
Khi xảy ra các vụ việc như trên cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh và xử lí nghiêm theo quy định pháp luật để đảm bảo tính răn đe.