Vẫn nhức nhối bạo lực học đường
Bạo lực học đường từ nhiều năm qua không còn là chuyện nhỏ. Nhiều sự việc ám ảnh, thương tâm, nhưng chúng ta chỉ biết khi “việc đã rồi”.
“Không thể đổ lỗi”
Khoảng 16h ngày 7/1, tại khu vực Ao Xanh, Cụm công nghiệp Đồng Côi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), nhóm thanh, thiếu niên và nam sinh Nguyễn Anh T. (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Trực) xảy ra xô xát. Nhóm thanh, thiếu niên dùng gậy gỗ bên đường và gậy sắt đánh nam sinh T. khiến nạn nhân bị thương ở tay và vùng đầu, dẫn tới chấn thương sọ não. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng T. đã tử vong vào tối cùng ngày. Nguyên nhân xô xát được xác định do 2 nhóm mâu thuẫn từ trước và đến chiều 7/1 hẹn nhau nói chuyện giải quyết.
Trước đó, vào khoảng 10h30 ngày 29/12/2023, Nguyễn Hoàng Thịnh (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thanh Hiền, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã dùng dao tự chế vung vào vùng ngực của Phạm Hữu N. (19 tuổi, trú xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định do Thịnh có mâu thuẫn với một học sinh khác từ trước, nạn nhân được học sinh kia nhờ đến gặp Thịnh hỏi chuyện...
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện chưa có những nghiên cứu chính thức kết luận số lượng và tần suất các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) thời gian gần đây tăng so với trước đây, song con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đáng để suy ngẫm. Cụ thể, từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ BLHĐ liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngày nay mạng xã hội phát triển nên một vụ BLHĐ xảy ra ở đâu là cả nước đều có thể biết. Song từ số liệu Bộ GD&ĐT thống kê cho thấy những nhức nhối bởi vấn nạn BLHĐ không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân và người gây ra sự việc, mà còn ảnh hưởng đến môi trường học tập chung. Học sinh có thể cảm thấy bất an trong chính lớp học, ngôi trường của mình…
PGS.TS.BS Tạ Thị Minh Tâm, Khoa Tâm thần và trị liệu tâm lý, khoa học thần kinh Cơ sở Benjamin Franklin, Viện trường Đại học Y khoa Charité Berlin, Đức) chia sẻ: “BLHĐ là vấn đề nan giải và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, tăng các nguy cơ rối loạn, lo âu, trầm cảm và làm giảm sự tự tin của học sinh vào bản thân. Các tác động không chỉ nhất thời mà còn lâu dài, tiềm ẩn mối nguy về các rối loạn nghiêm trọng hơn như trầm cảm, tự hoại hay tự tử. Gần như trong mọi nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của học sinh trên thế giới đều đề cập đến các trải nghiệm bạo lực, bắt nạt học đường”.
PGS.TS.BS Tạ Thị Minh Tâm cho rằng, ngăn chặn BLHĐ cần phòng bệnh với sự tham gia của nhiều phía, không chỉ là nhiệm vụ của một phòng tham vấn tâm lý học đường. Điều tiên quyết, cần một quy chế xử phạt thật nghiêm trong những trường hợp BLHĐ. Trong những vụ BLHĐ, sẽ không có một lý do giải thích nào là chính đáng. Không thể đổ lỗi vì em cũng đang bị áp lực nên em có quyền bạo lực bạn khác. Các em cần chịu trách nhiệm với hành động của mình.
“Và trong những sự vụ về BLHĐ, nhà trường cần xử lý nhanh và nghiêm túc. Ban giám hiệu và các giáo viên cần ngồi lại để xem vấn đề gặp phải ở đâu. Không được đổ lỗi, bởi BLHĐ không phải lỗi của một cá nhân, mà là của cả một hệ thống bên trong nhà trường”, bà Tâm bày tỏ.
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội
Là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 02/CT-TTg vừa ban hành ngày 26/1/2024 về việc phòng, chống BLHĐ. Chỉ thị nêu rõ trong thời gian qua, tình trạng BLHĐ, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức BLHĐ ngày càng đa dạng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Thực trạng trên gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong Nhân dân.
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống BLHĐ, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ. Đồng thời phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên được quy định tại các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT; kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định có liên quan.
Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Xây dựng tài liệu và triển khai các hoạt động giáo dục phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội phù hợp với các cấp học.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến BLHĐ, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Đồng thời, cần tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc bảo đảm an toàn trường học do mình phụ trách…