"Gỡ" gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm. Tại Việt Nam, bệnh lao không chỉ đe dọa tính mạng con người mà còn tác động trực tiếp đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Cụ thể, trong báo cáo mới nhất từ Chương trình Chống lao Quốc gia, năm 2023 có 106.086 trường hợp mắc lao các thể được phát hiện (tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34,4% và 2,2%); phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân (cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%). Còn theo WHO, ước tính mỗi năm nước ta có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Tại buổi công bố kết quả đánh giá hệ thống oxy y tế tại tất cả các Bệnh viện Phổi tuyến tỉnh trên toàn quốc diễn ra ngày 28/8 cho thấy tương lai Việt Nam có thể bảo đảm một hệ thống y tế vững mạnh, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nói chung và bệnh lao nói riêng trong tương lai. Bản báo cáo cho thấy các Bệnh viện Lao và Bệnh phổi/Bệnh viện Phổi tuyến tỉnh đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc các bệnh về phổi và đáp ứng phòng, chống dịch COVID-19. Hầu hết các bệnh viện đã có thể cung cấp đủ oxy cho người bệnh trước, trong và sau đại dịch. Nguồn nhân lực chăm sóc người bệnh được chỉ định thở oxy trong hầu hết các bệnh viện nhận thấy đã đủ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề như, một số bệnh viện còn gặp tình trạng chưa có đủ thiết bị đo độ bão hòa oxy để bảo đảm các quy trình theo dõi và chăm sóc người bệnh, chưa đáp ứng yêu cầu nhân viên y tế có nhu cầu cao về đào tạo liên quan đến điều trị bằng oxy cho người bệnh, bảo đảm an toàn khi sử dụng thiết bị cung cấp oxy.
TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia nhận định, báo cáo đánh giá trên đã cung cấp một lộ trình rõ ràng và khả thi để có thể cải thiện hệ thống oxy y tế, nhằm bảo đảm rằng các Bệnh viện sẵn sàng ứng phó với những thách thức y tế trong tương lai, cũng như bảo đảm chất lượng cho các dịch vụ chăm sóc bệnh hô hấp thường nhật.
Đồng thời, ông nhấn mạnh Chương trình Chống lao Quốc gia và Bệnh viện Phổi Trung ương chịu trách nhiệm trong việc thực hiện những cải tiến này, thiết lập các tiêu chuẩn cho các bệnh viện khác trên toàn quốc, cũng như xây dựng một mạng lưới y tế mạnh mẽ và bền vững hơn.