A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo động bệnh đau cổ vai gáy tấn công mọi độ tuổi

Cần Thơ - Guồng quay công việc bận rộn, tư thế ngồi làm việc sai lệch... đẩy người lao động vào "vòng xoáy" của bệnh đau cổ vai gáy.

Thói quen dùng điện thoại, máy tính

Kết thúc công việc nội trợ, chị Đỗ Thị Hồi Hương (TP Cần Thơ) thường xem điện thoại để thư giãn. Sức hút từ các chương trình truyền hình thực tế dài tập đến những clip ngắn trên mạng xã hội làm chị Hương không thể rời mắt, xem liền hàng giờ đồng hồ.

Thói quen này lặp đi lặp lại trong thời gian dài và chính chị cũng không nghĩ rằng, đây lại là một trong những nguyên nhân khiến mình mắc bệnh đau cổ vai gáy, buộc phải đến khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) để điều trị.

f

Việc dùng điện thoại trong thời gian dài mà không đổi tư thế vô tình khiến chị Hương mắc bệnh đau cổ vai gáy. Ảnh: Mỹ Ly

"Cộng với việc ngồi máy tính làm việc, tôi đau nhức dữ dội, cả vai gáy và lưng. Ban đầu, tôi mua thuốc uống qua loa nhưng chỉ giảm đau, sau càng đau nhiều hơn" - chị Hương cho hay.

Không chỉ ở độ tuổi trên 40 mà hiện nay, bệnh đau cổ vai gáy, đau cột sống lưng còn phổ biến ở người trẻ, nhất là dân văn phòng.

Anh Phạm Nhật Cường (kỹ sư IT, TP Cần Thơ) than thở: "Đặc thù công việc khiến tôi ngồi hàng giờ đồng hồ trên máy tính, không chỉ ban ngày mà kể cả ban đêm. Hệ lụy là ít di chuyển hay đổi tư thế, đến cuối ngày nằm xuống giường ngủ thì đau nhức vô cùng".

Tuy nhiên, ở độ tuổi 26, anh Cường hiện chỉ mới dùng thuốc, miếng dán giảm đau lưng và cải thiện thể dục thể thao chứ chưa đến thăm khám bác sĩ, bởi anh nghĩ rằng mình còn "chịu đựng được".

f

Do đặc thù công việc IT nên anh Cường thường xuyên bị nhức mỏi, đau lưng. Ảnh: Phong Linh

Về vấn đề này, ông Phan Huy Phong (cán bộ hưu trí tại TP Cần Thơ) cho biết, trước đây khi còn đi làm, ông cũng lơ là việc thăm khám bác sĩ để điều trị kịp thời. Lâu ngày, việc lao động quá sức khiến ông mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống lưng L4-L5.

"Mấy đứa trẻ nhà tôi, tầm 20 tuổi cũng đã than đau mỏi lưng, cổ vai gáy, nguyên nhân là do dùng laptop, điện thoại nhiều mà không vận động hợp lý. Tôi luôn khuyên bảo các cháu đừng để bệnh như mình" - ông Phong nói thêm.

Chủ động thay đổi

Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cảnh báo, hiện nay số lượng bệnh nhân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mắc bệnh đau cổ vai gáy, cột sống lưng đang gia tăng đột biến. Bà Hà Thị Minh Châu - cử nhân vật lý trị liệu - thông tin: Bên cạnh công tác điều trị chuyên môn với phương thức trị liệu cho bệnh nhân, khoa luôn tuyên truyền người dân về cách sinh hoạt khoa học nhằm duy trì sức khỏe tốt nhất.

f

Kỹ thuật di động khớp cho người bệnh đau lưng do thoái hoá L5S1. Ảnh: Phong Linh

Với người làm văn phòng, phải ngồi nhiều giờ trên máy tính, cần ghi nhớ bình quân 20 - 30 phút phải thay đổi tư thế, đi lại vài vòng trong không gian phòng.

Người lao động cũng có thể tìm hiểu và thực hiện các bài tập thư giãn, thể dục hợp lý để giãn cơ cổ, vai, lưng giúp giảm căng thẳng và tăng cường sự linh hoạt cho các khớp; bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Nghe qua tưởng chừng đơn giản, chỉ là những cơn nhức mỏi thoáng qua nhưng đây có thể là dấu hiệu khởi đầu cho nhiều bệnh lý nghiêm trọng về cột sống. Các bác sĩ cảnh báo, nếu bệnh nhân chủ quan, không được thăm khám và điều trị kịp thời, sẽ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những biến chứng khó lường hoặc hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật