A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngộ độc thực phẩm gia tăng sau Tết

Ngộ độc thực phẩm gia tăng sau Tết do thực phẩm tồn đọng và lễ hội, tiềm ẩn nguy cơ từ thực phẩm kém vệ sinh, bảo quản lâu ngày.

Ngộ độc thực phẩm gia tăng sau Tết

Lựa chọn những quán ăn đảm bảo vệ sinh để không bị ngộ độc thực phẩm.Ảnh: Lưu Ly

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, có 711 người khám và cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm hoặc say bia/rượu. Trong số này, 444 trường hợp phải nhập viện điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong.

TS Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cảnh báo, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách trong thời tiết nồm ẩm có thể dẫn đến ngộ độc. Thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, bánh chưng nếu hâm nóng nhiều lần hoặc đã hết hạn sử dụng sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn. Các loại bánh, mứt bị nấm mốc, chảy nước, biến đổi màu sắc cũng cần loại bỏ ngay.

Bên cạnh đó, mùa lễ hội sau Tết kéo theo sự gia tăng nhu cầu ăn uống, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm hoạt động tạm bợ, thiếu kiểm soát về vệ sinh an toàn.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - phân tích, có hai nhóm nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm. Nhóm thứ nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc, giá rẻ, không đảm bảo vệ sinh hoặc chứa phụ gia độc hại. Nhóm thứ hai xuất phát từ thói quen bảo quản thực phẩm sai cách, tích trữ quá nhiều, ăn uống không kiểm soát, kết hợp các loại thực phẩm kỵ nhau.

Siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các Sở Y tế và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Các khu vực ăn uống cần được quy hoạch hợp lý, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, có biện pháp thu gom rác thải. Cơ sở kinh doanh phải tuân thủ các quy định về bảo quản thực phẩm, nhân viên chế biến phải mặc trang phục sạch, rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, sử dụng dụng cụ riêng cho thực phẩm sống và chín. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, ôi thiu, rượu bia không nhãn mác, thực phẩm ngâm thảo mộc hoặc nội tạng động vật chưa kiểm định.

Theo Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh, có đủ nước sạch, trang thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Nhân viên trực tiếp chế biến phải được tập huấn và không mắc các bệnh truyền nhiễm.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt từ 1-2 lần giá trị sản phẩm nếu sử dụng nguyên liệu quá hạn, không rõ nguồn gốc hoặc chưa kiểm dịch; Phạt 1-3 triệu đồng nếu thực phẩm bày bán trên dụng cụ không vệ sinh, thiếu dụng cụ bảo quản hoặc có côn trùng xâm nhập; Phạt 3-5 triệu đồng nếu không thực hiện kiểm thực 3 bước, không lưu mẫu thức ăn, thiết bị bảo quản không đạt chuẩn, không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay, thu gom rác thải. Mức phạt áp dụng cho tổ chức vi phạm sẽ cao gấp đôi so với cá nhân.

TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: người dân chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ trước khi mua, hạn chế ăn vỉa hè, tránh rượu bia không nhãn mác. Thực phẩm cần bảo quản đúng cách, ăn chín uống sôi, không tích trữ nhiều.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật