Triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu năm 2022 tại 32 tỉnh, thành phố
Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván- bạch hầu giảm liều (Td) năm 2022 tại 32 tỉnh, thành phố.
Theo Bộ Y tế, trong các năm 2004-2012 bệnh bạch hầu cơ bản được không chế ở Việt Nam với số ca mắc trung bình hàng năm là 21 trường hợp.
Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2020 đã ghi nhận các ổ dịch bạch hầu xảy ra rải rác ở một số địa phương.
Mặc dù số mắc bạch hầu năm 2021 đã giảm song nguy cơ dịch bệnh quy trở lại là hiện hữu trong tỉnh hình tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib và DPT4 tại nhiều tỉnh đạt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tiêm ngừa vắc xin là cách phòng bệnh uốn ván, bạch hầu hiệu quả cho trẻ |
Các trường hợp mắc bạch hầu được ghi nhận chủ yếu ở nhóm trẻ lớn (trên 10 tuổi) chiếm 67,8%, tiếp theo là trẻ 5-9 tuổi (20,5%), 1-4 tuổi (8,8%).
Hầu hết các trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng (69,3%). Ghi nhận 19,5% trường hợp tiêm chủng chưa đủ mũi và 11,26 đã tiêm đủ 4 mũi vẫn mắc bạch hầu.
Về bệnh uốn ván, Bộ Y tế cho biết theo báo cáo của các địa phương hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc uốn ván ở trẻ em và người lớn.
Cụ thể, trong năm 2020 ghi nhận 320 ca mắc tại 28 tỉnh/TP của cả 4 khu vực và năm 2021 có 182 ca mắc tại 25 tinh/Thành phố.
Qua theo dõi tại các địa phương cho thấy triển khai vắc xin uốn ván- bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi có nhiều thuận lợi, triển khai tiêm chủng vắc xin tại các trường học, hoạt động tiêm chủng vắc xin Td được sự phối hợp, hỗ trợ các thầy cô giáo.
Hoạt động tiêm chủng đã được triển khai an toàn, không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Kết quả triển khai liên tục vắc xin Td trong 2 năm (2019, 2020) và tổ chức chiến dịch tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã giúp từng bước khống chế được dịch bạch hầu, giảm số mắc và tử vong.
Trong năm 2021 chỉ ghi nhận 6 ca bạch hầu. Tuy nhiên, trong số đó có chùm 5 ca bệnh tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) và 1 trường hợp tại Gia Lai.
Đồng thời vẫn ghi nhận tình trạng mắc uốn vẫn ở trẻ em và người lớn với số mắc hàng trăm ca mỗi năm, tiếp tục ghi nhận các trường hợp uốn ván sơ sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho biết trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng giảm bao gồm vắc xin có thành phần bạch hầu, họ gả, uốn ván.
Cụ thể, tỷ lệ tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ em dưới 1 tuổi là 83,2% và DPT4 cho trẻ 18-24 tháng là 82,7%.
Vì vậy, theo Bộ Y tế để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, việc tiếp tục duy trì triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi tại các địa bàn nguy cơ là hết sức cần thiết; Đồng thời, cần mở rộng diện triển khai vắc xin này qua các năm, việc tổ chức tiêm chủng này cũng phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về việc triển khai vắc xin Td cho trẻ lớn.
Đối tượng tiêm là tất cả học sinh lớp 2 trong trường học và trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng ở vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin Td.
Bộ Y tế lưu ý không tiêm vắc xin Td cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm.
Lưu ý không tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin Td cùng đợt với vắc xin COVID-19 cho trẻ 7 tuổi tại địa phương, khoảng cách giữa mũi tiêm vắc xin Td và vắc xin COVID-19 là 14 ngày.