Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam từ một nước có tỉ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỉ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn.
Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa liên tục
Sáng 5/1, trình bày về những chỉ đạo, điều hành trọng tâm và kết quả phát triển kinh tế - xã hội tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, tạo đột phá về bao phủ vaccine, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu triển khai tích cực, hiệu quả cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, chúng ta buộc phải áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ". Đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho Nhân dân, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm xá lưu động.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn.
Trong phòng chống dịch, Chính phủ đã kịp thời điều động lực lượng lớn chưa từng có. Trong thời gian rất ngắn với hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Đồng thời, xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.
"Từ một nước có tỉ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỉ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%; đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm" - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, thực hiện Kết luận của Trung ương, Chính phủ đã nghiên cứu, ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP; việc chuyển hướng sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong Quý IV/2021 và năm 2022.
Nhắc tới những chỉ đạo, điều hành trọng tâm khác để phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.